Ngày 11/11, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa thực hiện phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp, nối liền và bảo tồn cánh tay trái của bệnh nhân nam bị đứt lìa do tai nạn lao động.
Rạng sáng ngày 06/11/2024, khoảng lúc 2 giờ 45 phút, bệnh nhân P. M. T (36 tuổi, ngụ ở huyện Cờ Đỏ - TP. Cần Thơ) đang vận chuyển vật liệu xây dựng tại công trường thì tay áo bị vướng vào bánh răng của ròng rọc nên bị cuốn vào và bị cắt đứt lìa cánh tay trái.
Bệnh nhân được đồng nghiệp sơ cứu và chuyển ngay vào Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cùng với cánh tay trái bị đứt lìa.
Ê kíp phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC |
Tình trạng bệnh nhân vào viện: Sốc chấn thương, mất máu, mạch và huyết áp không đo được, bệnh lơ mơ tiếp xúc chậm, vết thương lộ xương cánh tay, lóc da lộ cơ Delta, cơ nhị đầu và cơ tam đầu.
Ê kíp phẫu thuật gồm các khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Ngoại Chấn thương – Bỏng, khoa Ngoại Lồng ngực và khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức đã hội chẩn khẩn và phối hợp phẫu thuật cấp cứu, cầm máu, truyền dịch, máu giải quyết tình trạng sốc của bệnh nhân.
Nhận thấy đây là một tình trạng rất nặng, thời gian rất gấp rút để nối nhằm cứu sống chi. Ê kíp phẫu thuật đã chỉ định chuyển phòng mổ khẩn để vừa hồi sức vừa phẫu thuật ghép cánh tay bị đứt rời.
Khoa Ngoại Chấn thương – Bỏng tiến hành cố định kết hợp xương cánh tay trái bằng khung cố định ngoài. Khoa Ngoại Lồng ngực tiến hành cắt lọc 2 đầu cánh tay, làm thông suốt mạch máu đoạn chi đứt và nối động mạch với động cánh tay, tĩnh mạch với tĩnh mạch, nối các dây thần kinh, khâu cơ và da, rạch da giải áp ở cẳng tay. Sau khi nối lại, mạch máu lưu thông tốt.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC |
Theo các bác sĩ Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, để thực hiện ghép chi thành công phụ thuộc nhiều yếu tố: Chi bị đứt rời do vết cắt sắc gọn hay đụng dập mô cơ mạch máu thần kinh;
Hiện trường đứt lìa chi ở môi trường sạch hay bẩn; Bảo quản chi đến bệnh viện phải sạch nhiệt độ lý tưởng là 5 đến 10 độ; Thời gian từ hiện trường đến bệnh viện sớm hơn 6 tiếng; Ê kíp phẫu thuật phải trình độ chuyên môn cao chuyên nghiệp. Tất cả các yếu tố trên sẽ góp phần cho sự ghép chi đứt rời thành công hay không.
Hiện tại, vết mổ của bệnh nhân đang liền, bàn tay đã sống tốt và đang trong quá trình hồi phục. Phẫu thuật nối lại các chi thể đứt rời đòi hỏi y bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao, nắm chắc các kỹ thuật chuyên sâu. Ngoài ra, yêu cầu nhiều trang thiết bị hiện đại chuyên dụng, cùng sự phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa khác.
"Các biện pháp phòng tránh tai nạn cho công nhân
- Tuân thủ nội quy về an toàn lao động: với mỗi công việc khác nhau sẽ có các dây chuyền công nghệ và quy trình sản xuất khác nhau, theo đó doanh nghiệp sẽ có những nội quy về an toàn lao động như khoảng cách an toàn, tư thế lao động an toàn,… chỉ cần một động tác bất cẩn không chấp hành nội quy lao động hay quy trình về an toàn lao động có thể phải gánh chịu hậu quả khôn lường đối với sức khỏe bản thân.
- Sử dụng đồ bảo hộ lao động đúng cách: đây là những dụng cụ, thiết bị được doanh nghiệp trang bị cho công nhân của mình như quần áo, mũ, kính, giày,… giúp họ đảm bảo an toàn và giảm thiểu những thương tổn có thể xảy ra nếu chẳng may gặp phải các tai nạn lao động.
Mỗi một ngành nghề, lĩnh vực sẽ có những thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động khác nhau. Chính vì thế khi được doanh nghiệp cung cấp đồ bảo hộ lao động, công nhân không được chủ quan và phải sử dụng đúng cách những đồ bảo hộ lao động đó khi làm việc.
- Xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý: một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp công nhân có sức khỏe tốt và tăng năng suất lao động. Vì thế cần ăn đủ và đúng bữa, bữa ăn cần có đầy đủ chất dinh dưỡng; uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể; giữa các ca làm có thời gian nghỉ thì nên tranh thủ nghỉ ngơi không nên dùng điện thoại chơi game hay lên mạng xã hội sẽ khiến đầu óc căng thẳng hơn.
- Tham gia khám sức khỏe định kỳ: các doanh nghiệp ngoài việc trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động cho công nhân thì hàng năm còn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân để giúp họ phát hiện sớm các bất thường về sức khỏe. Chính vì thế công nhân làm việc tại các doanh nghiệp không nên bỏ lỡ các đợt khám sức khỏe định kỳ này." - BS Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai khuyến cáo