Trong nước

Tạo hình thành công ngón tay cái cho bệnh nhi người Lào bị bỏng nặng

  • Tác giả : Thúy Nga
Phẫu thuật tạo hình ngón tay là một kỹ thuật khó, đòi hỏi các phẫu thuật viên chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm. Phẫu thuật tạo hình thành công cho bệnh nhi ngay tại tuyến tỉnh đã mở ra nhiều cơ hội cho người bệnh.

Các bác sỹ khoa Ngoại chấn thương – Chỉnh hình – Thẩm mỹ - Bỏng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa thành công trong việc tạo hình thành công ngón tay cái cho bệnh nhi người Lào bị di chứng bỏng nặng nề.

Cách đây hơn 1 năm, Bệnh nhi S. bị bỏng lửa. Sau bỏng, bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện địa phương. Vì điều kiện không được hướng dẫn phòng chống di chứng nên bệnh nhi S. bị sẹo co kéo mu bàn ngón 1 tổn thương làm trật khớp đốt bàn ngón 1 mất tư thế cơ năng của ngón tay không thể cầm bút, cầm đồ chơi như các bạn cùng trang lứa chưa kể đến những đau đớn tại chỗ sẹo bỏng.

Tạo hình thành công ngón tay cái cho bệnh nhi Lào bị di chứng bỏng nặng nề - Ảnh BVCC

Tạo hình thành công ngón tay cái cho bệnh nhi Lào bị di chứng bỏng nặng nề - Ảnh BVCC

Theo các bác sỹ, bàn tay có vai trò rất quan trọng trong lao động, đặc biệt hơn nữa là ngón tay cái chiếm tới 50% chức năng của bàn tay, nên việc tạo hình lại ngón tay cái với những bệnh nhân bị sẹo co kéo phức tạp như trường hợp của bệnh nhi S. là việc quan trọng trong quá trình điều trị.

Bs.CKII Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương – Chỉnh hình – Thẩm mỹ - Bỏng. Bệnh viện Nhi Thanh Hóa - người phụ trách phẫu thuật và điều trị cho cháu S. cho biết, sau khi thăm khám bệnh nhân, bác sỹ đã quyết định lựa chọn phương pháp cắt giải phóng sẹo tạo hình lại vị trí ngón 1, sau đó sử dụng đồng thời vạt da tại chỗ che phủ tổn khuyết vùng khớp và da dày che phủ khuyết hổng còn lại.

Sự lựa chọn này do tính chất tinh tế của ngón tay cái cần chọn vật liệu che phủ tổn thương mà vẫn đảm bảo độ mỏng phù hợp.

Tay bé đã có thể cầm bút viết - Ảnh BVCC

Tay bé đã có thể cầm bút viết - Ảnh BVCC

Bệnh nhân được hướng dẫn tập vận động sau mổ. Đến nay, kết quả ca phẫu thuật rất khả quan. Bệnh nhân được phục hồi ngón cái của tay phải với kích thước tương đương so với ngón tay của bàn tay lành. Ngón tái tạo thực hiện được các vận động gấp, duỗi, đối chiếu ngón…

Mẹ con sản phụ đến thăm khám sau 1 tháng phẫu thuật - Ảnh BVCC

Mẹ con sản phụ đến thăm khám sau 1 tháng phẫu thuật - Ảnh BVCC

Theo BS Hoài phẫu thuật tạo hình ngón tay là một kỹ thuật khó, đòi hỏi các phẫu thuật viên chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm. “Đối với một bệnh nhân tạo hình ngón tay cái, ngoài mục tiêu phục hồi chức năng, chúng tôi cũng cân nhắc phương án sao cho đạt tính thẩm mỹ cao sau phẫu thuật”.

Và giờ đây khi đã có ngón tay cái mới, cháu S thấy tự tin trở lại, không phải giấu bàn tay mình khi ở chỗ đông người. Cháu đã có thể cầm thìa tự xúc ăn và đặc biệt có thể cầm bút đến trường với các bạn cùng trang lứa.

𝑩𝒔.𝑪𝑲𝑰𝑰.𝑵𝒈𝒖𝒚𝒆̂̃𝒏 𝑻𝒉𝒊̣ 𝑻𝒉𝒖 𝑯𝒐𝒂̀𝒊 - 𝑷𝒉𝒐́ 𝒕𝒓𝒖̛𝒐̛̉𝒏𝒈 𝒌𝒉𝒐𝒂 𝑵𝒈𝒐𝒂̣𝒊 𝒄𝒉𝒂̂́𝒏 𝒕𝒉𝒖̛𝒐̛𝒏𝒈 – 𝑪𝒉𝒊̉𝒏𝒉 𝒉𝒊̀𝒏𝒉 – 𝑻𝒉𝒂̂̉𝒎 𝒎𝒚̃ - 𝑩𝒐̉𝒏𝒈 𝑩𝒆̣̂𝒏𝒉 𝒗𝒊𝒆̣̂𝒏 𝑵𝒉𝒊 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉 𝑯𝒐́𝒂

Thúy Nga