Tạo hình lỗ tiểu thấp cho bệnh nhi T. tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ.
Thường kèm theo nhiều dị tật phối hợp
Bị chẩn đoán dị tật lỗ niệu đạo bẩm sinh, cháu Hoàng Đức T. (4 tuổi, Tân Sơn, Phú Thọ) gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiểu tiện cũng như trong các sinh hoạt hàng ngày. Dưới sự phối hợp của ThS.BS Nguyễn Duy Việt, Phó trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã phẫu thuật tạo hình lỗ tiểu dương vật thành công cho T. Ca phẫu thuật không chỉ giúp bệnh nhi đi tiểu được bình thường mà còn bảo toàn được nguyên vẹn chức năng sinh sản.
ThS Đinh Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, lỗ tiểu thấp là dị tật bẩm sinh của dương vật làm cho niệu đạo, vật hang, vật xốp, quy đầu và da quy đầu phát triển không hoàn toàn. Lỗ niệu đạo có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trên thân dương vật, thậm chí có thể nằm ở bìu hay tầng sinh môn. Bệnh thường phối hợp với nhiều dị tật khác như: Tinh hoàn không xuống bìu và thoát vị bẹn; Dị tật đường tiết niệu; Túi bầu dục tuyến tiền liệt và rối loạn biệt hóa giới tính...
Lỗ tiểu thấp ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ nên khi phát hiện dị tật cần đưa trẻ đi khám và điều trị tại các trung tâm tiết niệu và nam học tuyến tỉnh và tuyến TW để phẫu thuật tạo hình.
Xác định giới tính thật để mổ
BS Lê Thế Trung, Chuyên khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, lỗ tiểu lệch thấp là một dị tật bẩm sinh thường gặp với tỷ lệ 1/300 trẻ trai sinh ra.
Ở dạng thường gặp, lỗ tiểu đổ ra phần bụng dương vật. Với thể nặng, lỗ tiểu đổ ra rất thấp tại bìu hoặc tầng sinh môn. Thể nặng thường phối hợp với các dị dạng khác như bìu chẻ đôi giống như 2 môi lớn hoặc dương vật nhỏ như âm vật, thậm chí không thấy tinh hoàn ở bìu… khi đó việc nhận biết giới tính cho trẻ rất khó khăn, cần hội chẩn với chuyên gia tiết niệu sinh dục trẻ em để xác định giới tính thật cho trẻ bằng chẩn đoán hình ảnh để xác định tử cung, buồng trứng hay tinh hoàn trong ổ bụng và đôi khi phải nhờ sự trợ giúp của nhiễm sắc thể giới tính.
Tuỳ theo vị trí của lỗ tiểu, dị tật lỗ tiểu lêch thấp chia làm các loại: Thể nhẹ: Lỗ tiểu gần đỉnh quy đầu, dương vật cong nhẹ; Thể vừa: Lỗ tiểu ở bụng dương vật, dương vật cong; Thể nặng: Lỗ tiểu đổ thấp tại bìu hoặc vùng tầng sinh môn, dương vật rất cong và nhỏ.
Theo BS Lê Thế Trung, phẫu thuật tạo hình là phương pháp điều trị duy nhất cho dị tật lỗ tiểu lệch thấp. Loại phẫu thuật phụ thuộc vào thể bệnh nặng hay nhẹ, thông thường là phẫu thuật một thì. Với thể nặng có thể phải mổ 2 hoặc nhiều thì. Tuổi cần mổ là trên 1 tuổi nhưng không quá muộn để giảm tối đa những sang chấn tâm lý cho trẻ. Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn cần thực hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, ngay cả ở người lớn.
Mục đích của phẫu thuật là: Tạo hình dựng thẳng dương vật + Tạo hình niệu đạo lỗ tiểu đổ vào đỉnh dương vật + Chuyển vạt da che phủ để dương vật có hình thể bình thường. Đây là một phẫu thuật tạo hình khó nên có thể xảy ra biến chứng như rò, hẹp niệu đạo (đường tiểu), túi thừa niệu đạo... sau mổ. Rò niệu đạo hay gặp nhất (10 -20%), trong đó ngoài lỗ tiểu ở đỉnh quy đầu còn thêm một lỗ tiểu khác ở bụng dương vật, hay gặp ở vị trí lỗ tiểu cũ.
Khi có rò xảy ra, cần chờ 6 tháng sau mổ lại để vá lỗ rò... Tùy theo bệnh thuộc dạng nhẹ hay nặng mà thời gian nằm viện dài hay ngắn, dạng nhẹ từ 5 - 7 ngày, dạng nặng 12 - 14 ngày. Sau phẫu thuật trẻ sẽ đi tiểu được bình thường và đảm bảo chức năng sinh sản sau này.