KINH TẾ

Tăng trưởng xuất khẩu thấp nhất trong 3 năm, Chính phủ họp tìm giải pháp

  • Tác giả : Hồng Linh
(khoahocdoisong.vn) - Tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 7,3%, thấp nhất kể từ năm 2017. Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để bàn về các giải pháp thúc đẩy thương mại.

Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan chủ động các phương án ứng phó với những tình huống bất thường xảy ra; chủ động thông tin, truyền thông phù hợp, bình ổn thị trường. Phải chú ý đảm bảo hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác, nhất là với các đối tác lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3%. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2017-2018 (lần lượt là 19,4% và 16,4%).

Tăng trưởng xuất khẩu chậm lại là do 3 nguyên nhân: suy giảm thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; một số tập đoàn FDI lớn có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn so với các năm trước; xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn cả về giá và các yêu cầu, quy định của một số thị trường nhập khẩu (chẳng hạn như Trung Quốc, EU, Australia…)

Xét theo khu vực, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 36,82 tỷ USD, tăng 10,8%, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 85,90 tỷ USD, tăng 5,9%, chiếm 70%.

Về nhập khẩu, 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 122,76 tỷ USD, tăng 10,5%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 52,54 tỷ USD, tăng 14,4%, đóng góp 5,96 điểm phần trăm vào tốc độ tăng nhập khẩu chung. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 70,22 tỷ USD, tăng 7,8%, đóng góp 4,56 điểm phần trăm vào tốc độ tăng nhập khẩu chung.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng đến 22,4%. Trung Quốc đứng thứ ba trong danh sách thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đạt 16,8 tỷ USD, chỉ tăng 1%. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 36,8 tỷ USD, tăng tới 21,8%. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc có tác động chuyển hướng thương mại từ Mỹ sang Việt Nam đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam chịu thâm hụt thương mại 34 triệu USD. Nhập siêu chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp trong nước, ở mức 15,72 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,68 tỷ USD.

Trong mười đối tác thương mại lớn nhất, Việt Nam chỉ đạt thặng dư với 3 thị trường. Trong đó, Việt Nam đạt thặng dư 20,4 tỷ USD với Mỹ; 13,7 tỷ USD với EU và hơn 900 triệu USD với Nhật Bản. Ngược lại, Việt Nam chịu thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc (20 tỷ USD), tiếp đó là Hàn Quốc (13,7 tỷ USD).

Hồng Linh