KINH TẾ

Tăng sức đề kháng cho VND, tỷ giá "dễ thở" mùa dịch

  • Tác giả : Đào Vũ
(khoahocdoisong.vn) - Diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 đã khiến thị trường tài chính tiền tệ có quãng thời gian chao đảo. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND lại đang được hưởng lợi khi áp lực tăng được giảm bớt.

Đồng USD vẫn mạnh

Đầu tháng 2 vừa qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát nghiêm trọng, tâm lý lo sợ rủi ro khiến giá vàng có thời điểm lên sát 1.700 USD/oz – mức đỉnh 7 năm. Trong khi đó, chỉ số đồng bạc xanh DXY cũng lên sát mốc 100.

Lý giải cho hiện tượng trái ngược quy luật USD tăng thì giá vàng giảm như thông thường, theo giới chuyên môn, chính các thông tin tích cực về tăng trưởng kinh tế khiến Mỹ trở thành điểm sáng và đồng USD được lựa chọn là kênh trú ẩn tiềm năng.

Song, sang tuần cuối tháng, dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng tại Mỹ nên USD nhanh chóng hạ nhiệt và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đồng loạt giảm mạnh về vùng thấp lịch sử.

Theo đó, đường cong lợi tức được hạ xuống một quãng lớn và tiếp tục có tình trạng đảo ngược, tức lợi tức kỳ hạn 3 tháng lại cao hơn lợi tức các kỳ hạn 10 năm trở xuống.

Đầu tháng 3, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản về mức 1,0-1,25%, mà không cần chờ tới cuộc họp thường kỳ. Vài ngày sau, Fed chi nhánh New York thông báo sẽ chi 1.500 tỷ USD để mua các tài sản tài chính. Nguyên nhân để đưa ra các quyết định trên đều liên quan đến Covid-19.

Vẫn biết, giảm lãi suất đồng nghĩa với động thái bơm tiền ra thị trường và giá của đồng tiền đó đi xuống. Tuy nhiên, không chỉ có Mỹ, làn sóng nới lỏng tiền tệ tiếp tục được nhiều nước sử dụng như một biện pháp để kích thích kinh tế.

Cụ thể, trong tháng 2, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giảm một loạt các lãi suất điều hành, tăng tỷ giá tham chiếu, bơm mạnh tiền trên OMO. Cùng với PBoC, các nước như Nga, Thái Lan, Philippines, Indonesia… và mới đây là Úc, Malaysia, Canada cũng đã cắt giảm lãi suất. Như vậy, hầu hết các đồng tiền đều giảm không chỉ riêng USD.

Theo giới đầu tư, khi vàng không còn là hầm trú ẩn hàng đầu; chứng khoán lên xuống theo kiểu “răng cá mập”, mỗi phiên lên xuống tới gần chục % thì giữ tiền vẫn an toàn nhất.

Và, quan trọng hơn cả, USD đang là đồng tiền chủ chốt trong thanh toán quốc tế, nên vẫn chiếm tỷ trọng lớn tại quỹ dự trữ ngoại hối các quốc gia. Thực tế cho thấy, việc giảm giá USD chỉ có thể là tạm thời, bởi chỉ số DXY đã tăng trở lại.

Có sóng nhưng vẫn khoẻ

Diễn biến từ thị trường quốc tế cũng gây áp lực đến Việt Nam, tỷ giá USD/VND bật tăng mạnh lên vùng giá mới ngay từ đầu tháng 2.

Chốt tháng 2, tỷ giá USD/VND trên liên ngân hàng tăng 40 đồng/USD, lên mức 23.140/23.310 đồng/USD; tỷ giá tự do tăng 50 đồng/USD ở chiều mua vào và 70 đồng/USD ở chiều bán ra, lên mức 23.250/23.270 đồng/USD; tỷ giá trung tâm cũng tăng mạnh, có lúc lên mức đỉnh 23.245 đồng/USD sau đó giảm về 23.224 đồng/USD, tăng 28 đồng/USD trong tháng. 

Tính từ đầu năm đến cuối tháng 2, tỷ giá USD/VND đã nhích tăng 0,27% nhưng cũng chỉ tiệm cận về vùng tỷ giá tại cuối năm 2018. 

Tới diễn biến tiếp, sau khi Fed có những động thái như đề cập trên, tỷ giá USD/VND đã có phản ứng và liên tiếp điều chỉnh theo hướng giảm. Trong đó, tại thị trường liên ngân hàng phiên giao dịch 11/3 ghi nhận giá USD giao dịch giữa các thành viên rơi xuống còn 23.173 VND. Khi USD hồi phục, giá giao dịch giữa các thành viên trên liên ngân cũng tăng và ổn định ở mức 23.200 VND tại phiên 12/3.

Thông thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ để thị trường tự điều chỉnh và chỉ là người điều tiết cuối cùng để ổn định tỷ giá bằng mốc chặn mua vào 23.175 VND. Việc giá USD liên ngân hàng xuyên thủng mốc chặn sẽ đồng nghĩa với việc đánh dấu đợt mua ròng để gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.

Ngoài ra, hành động duy trì ổn định tỷ giá đã vô hình chung giúp VND thu hẹp khoảng cách với các đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là nhân dân tệ (CNY).

Một số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nếu như trong giai đoạn cuối tháng 2 và đầu tháng 3, 1 CNY đổi được 3.311,77 VND thì hiện đã tăng lên 3.352,21 VND. Tức VND đã mất giá khoảng 1,22% so với CNY và áp lực tăng của cặp tỷ giá USD/VND để hỗ trợ xuất khẩu dường như được giảm nhẹ.

Bên cạnh việc được hưởng lợi trong nhịp sóng vừa qua để tăng sức đề kháng, cân đối ngoại tệ của Việt Nam vẫn đang thuận lợi. Cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan, số liệu chốt lại tháng 2 cho thấy cán cân thương mại bất ngờ xuất siêu tới 2,27 tỷ USD, đưa mức thặng dư hai tháng đầu năm lên tới 1,82 tỷ USD.

Mặt khác, phía nhà điều hành vẫn thận trọng với chính sách tiền tệ. Trước tác động của Covid-19, chính sách giảm lãi suất cho vay đến lúc này chủ yếu đến từ quyết định và nguồn lực riêng của mỗi ngân hàng thương mại. Do đó, tiền chưa được bơm thêm thì tỷ giá USD/VND vẫn có thời gian dễ “thở”.

Theo Công ty Chứng khoán SSI: “Các áp lực có thể gia tăng nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi nhưng nhìn về dài hạn, các công cụ hỗ trợ ổn định tỷ giá vẫn còn nhiều dư địa và vì vậy chưa có cơ sở để lo lắng về sự mất giá của VND. Diễn biến tỷ giá 2020 sẽ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan điều hành và nếu có được điều chỉnh thì cũng chỉ dao động quanh mức 1%”.

Được biết, mới đây, công cụ dự báo lãi suất của FED (FedWatch) cũng cho thấy phần lớn nhà đầu tư đang kỳ vọng FED tiếp tục giảm thêm lãi suất trong cuộc họp sắp tới vào ngày 18/3. Trên cơ sở đó, USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục yếu đi, đồng nghĩa với tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới.

Đào Vũ
Từ Khoá