Dữ liệu y khoa

Tăng huyết áp ở bệnh nhân mắc bệnh tự miễn

  • Tác giả : Thúy Nga (ghi)
Bằng chứng lâm sàng cho thấy, có sự liên quan mạnh mẽ giữa bệnh tự miễn như Lupus (SLE) và viêm khớp dạng thấp với tăng huyết áp.

Hỏi: Tôi bị mắc bệnh tự miễn, mới đây bị cao huyết áp lại được kết luận là tăng huyết áp do bệnh tự miễn. Xin hỏi, các bệnh tự miễn nào gây tăng huyết áp? Cách điều trị ra sao?

Nguyễn Thị Trang (Hà Nội)

tang-huyet-ap-va-benh-tu-mien.jpg

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai: Bằng chứng lâm sàng cho thấy, có sự liên quan mạnh mẽ giữa bệnh tự miễn như Lupus (SLE) và viêm khớp dạng thấp với tăng huyết áp. Một nghiên cứu trên quần thể lớn đã cho thấy sự gia tăng phổ biến của tăng huyết áp ở bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp (31%) khi so sánh với quần thể chung là 23%, tăng huyết áp ở bệnh nhân SLE chiếm mức cao 40% bệnh nhân SLE dưới độ tuổi 40.

Bệnh nhân mắc xơ cứng bì bị tăng huyết áp phổ biến, đặc biệt là khi có tổn thương thận.

Mặc dù sự phổ biến của tăng huyết áp ngày càng tăng lên cùng với các nguy cơ tim mạch tương ứng. Tuy nhiên, trên thực tế điều trị tăng huyết áp không chú trọng tới những nguy cơ các thuốc thường sử dụng để điều trị SLE có thể ảnh hưởng tới huyết áp.

Sử dụng glucocorticoid kéo dài, giảm đau chống viêm không chọn lọc và ức chế COX II (coxibs) và một vài thuốc khác cũng liên quan tới gia tăng nguy cơ tăng huyết áp.

Một phần của khó khăn trong kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân có tổn thương thận đi kèm hay gặp là viêm thận lupus. Xấp xỉ 40 - 70% bệnh nhân SLE sẽ tiến triển bệnh thận mạn (CKD) và trong đó có tới 80% bệnh nhân CKD có tăng huyết áp, chỉ 13% có mức huyết áp được kiểm soát đầy đủ.

Thuốc ức chế ACE thường được dùng để điều trị tăng huyết áp và/hoặc bệnh thận ở bệnh nhân SLE. Sử dụng thuốc ức chế ACE trong SLE có đáp ứng chung khá tốt, làm chậm tiến triển tổn thương thận và giảm nguy cơ bệnh tái phát ở bệnh nhân SLE.

Thúy Nga (ghi)