Dữ liệu y khoa

Tăng huyết áp cần lưu ý bổ sung khoáng chất

Tăng huyết áp cần lưu ý bổ sung khoáng chất. M

Tăng huyết áp cần lưu ý bổ sung khoáng chất ảnh 1

Cà chua tốt cho người tăng huyết áp.

Natri (Sodium)

Ăn nhiều muối, ion natri sẽ được chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp. Nhu cầu muối người trưởng thành cần  6g muối/ngày. Khi có tăng huyết áp cần ăn chế độ giảm muối, nên ăn dưới 4g/ngày.

 Kali (Potassium)

Kali chủ yếu ở trong tế bào và giữ vai trò quan trọng trong các quá trình chuyển hóa ở đó. Tăng nồng độ kaki trong cơ thể dẫn tới giảm nồng độ natri và tăng bài xuất chất này ra khỏi cơ thể. Chế độ ăn giàu kali có thể là biện pháp có hiệu quả trong trường hợp cần tăng bài niệu và bài xuất natri. Ngược lại, kali gây giãn mạch, do vậy làm giảm huyết áp. Lượng kali ăn vào cao giúp chống lại tăng huyết áp và kiểm soát tốt huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp. Lượng kali ăn vào không đủ có thể gây tăng huyết áp. Nếu hạ kali máu do dùng thuốc lợi tiểu cần bù kali.

Kali trong máu có nồng độ bình thường là 3,5– 5 mmol/l. Nhu cầu kali cho người tăng huyết áp 4000– 5000 mg/ngày. Rau quả, gạo, khoai là nguồn cung cấp chính kali cho khẩu phần ăn.

 Magie (magnesium)

Giữ vai trò quan trọng trong điều hòa khả năng hưng phấn hệ thống thần kinh. Magie có tính chất chống co cứng và giãn mạch. Nhu cầu magie là 500mg/ngày. Nguồn magie chính là các loại  rau xanh, đậu đỗ, ngũ cốc…

 Canxi (calcium)

Canxi đóng vai trò trong việc chỉ đạo co cơ trơn. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học chứng tỏ lượng canxi ăn vào thấp thường đi kèm với tăng huyết áp. Lượng canxi ăn vào cao có thể hạ thấp được huyết áp. Nhu cầu canxi ở người trưởng thành là 1000mg/ngày. Nguồn cung cấp canxi là sữa, tôm, cua cá, rau xanh.

 Cholesterol

Nếu cholesterol tăng cao không kiểm soát được có thể gây xơ vữa động mạch, do các mảng bám tích tụ trong thành động mạch gây hẹp lòng mạch dẫn đến tăng huyết áp hoặc nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng  đến não, tim do máu không lưu thông được.

 Chất xơ

Chất xơ có tác dụng làm giảm nồng độ glucose, chlolesterol, tryglycerid trong máu. Chất xơ sẽ mang các phân tử giúp hình thành cholesterol ra khỏi cơ thể. Bằng cách này, chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm lượng cholesterol trong máu, cũng như giảm nguy cơ xơ vữa động động mạch, tăng huyết áp và mắc bệnh tim mạch.

Một số loại thực phẩm tốt cho người tăng huyết áp

Cần tây: Có tác dụng làm giãn mạch, lợi niệu và hạ huyết áp.

Cải cúc: Chứa nhiều axit amin và tinh dầu, có tác dụng làm giảm huyết áp.

Rau muống: Chứa nhiều canxi, có lợi cho việc duy trì huyết áp trong giới hạn cho phép, rất thích hợp cho người bệnh cao huyết áp có kèm theo đau đầu.

Măng lau: Giúp hoạt huyết, thông tràng vị… Loại măng này giúp giảm mệt mỏi, tăng cường thể lực, làm giãn mạch, cường tim và phòng ung thư, rất tốt cho người cao huyết áp và xơ vữa động mạch.

Cà chua: Giàu vitamin C và P. Mỗi ngày ăn 1- 2 quả cà chua sống sẽ có khả năng phòng chống cao huyết áp.

Cà rốt: Làm mềm thành mạch, điều chỉnh rối loạn lipid máu và ổn định huyết áp. Nước ép cà rốt đặc biệt tốt cho người bị cao huyết áp kèm theo đau đầu, chóng mặt.

Ngoài ra, còn một số thức ăn tốt cho người tăng huyết áp như: Hành tây, nấm hương, nấm rơm, mộc nhĩ, tỏi, lạc, đậu Hà Lan, đậu xanh, táo, chuối tiêu, dưa hấu, dưa chuột…

Ths.BS Lê Thị Hải, nguyên Viện Dinh dưỡng QG