Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phần của các tấm pin mặt trời bao gồm khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối. Tuổi thọ trung bình của các tấm pin năng lượng mặt trời từ 10 - 20 năm, tùy thuộc vào địa điểm và khu vực môi trường nơi triển khai dự án. Tấm pin năng lượng mặt trời thải loại (hết thời hạn sử dụng) tại Việt Nam, được quản lý theo các quy định về quản lý chất thải. Chủ nguồn thải có trách nhiệm phân định rác thải từ các tấm pin mặt trời theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại để quản lý cho phù hợp (QCVN 07:2009/BTNMT).
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang chủ trì xây dựng và sẽ ban hành danh mục các chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải công nghiệp thông thường. Trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi cũng sẽ quy định cụ thể việc quản lý các tấm pin năng lượng mặt trời thải trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, việc phát triển điện mặt trời hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay của thế giới, trong đó, vấn đề xử lý rác thải điện mặt trời sau khi hết hạn cũng đã được nhắm tới. PGS.TS Võ Viết Cường, Khoa Điện - Điện tử, Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho rằng, không có gì là sạch tuyệt đối cả. Năng lượng mặt trời giảm hệ số khí thải đến 90% so với các nguồn năng lượng truyền thống. Một dự án điện mặt trời vẫn tạo ra C02 như bình thường. Hệ số khí thải của ngành điện Việt Nam (tùy cơ cấu các nguồn điện) khoảng 120 - 130g carbon/kWh, trong khi đó, với điện mặt trời (phát sinh khí thải từ khai thác nguyên vật liệu thô, sản xuât ra tấm thu năng lượng, tái chế) khoảng 10g carbon/kWh.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tấm thu năng lượng mặt trời có tỷ lệ tái chế rất cao, vật liệu thu hồi có giá trị lớn nhất là Bạc (Ag), tuy trọng lượng không nhiều nhưng tỷ lệ trong giá thành là trên 50%.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, công nghệ hoàn toàn xử lý được các tấm thu năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng, chứ không phải là "chỉ có vứt đi, không thể tái chế". Ông Dũng cho rằng, khoảng 20 năm nữa khi có những tấm pin thải ra từ nhà máy, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể xử lý được.