Theo bà Kimberly Powers - chuyên gia dịch tễ tại Đại học North Carolina (Mỹ), có nhiều lý do để giải thích dữ liệu trên, như biện pháp làm việc tại nhà và tránh tụ tập đông người đã giảm thiểu số lần tiếp xúc với nguồn lây.
Ông Robert Murphy - giám đốc điều hành Viện Y tế toàn cầu Havey - cho rằng có thể nhiều người đã mắc COVID-19 mà không biết, đặc biệt ở giai đoạn đầu của dịch, do họ không có triệu chứng hoặc không nghiêm trọng đến mức phải xét nghiệm.
Tuy nhiên, có một số người liên tục phơi nhiễm nguồn lây nhưng không mắc bệnh. Liệu những người này có hệ miễn dịch tốt hơn hay khác biệt về gene đã giúp họ không mắc COVID-19?
Theo kết quả một nghiên cứu được thực hiện hồi tháng 1 vừa qua, việc bị cảm lạnh và mắc các chủng SARS-CoV-2 khác trước đó có thể đã giúp bảo vệ trước COVID-19.
Nhà nghiên cứu Rhia Kundu cho biết đã phát hiện một lượng lớn tế bào T tồn tại từ trước trong cơ thể những người mắc các chủng SARS-CoV-2 khác như cảm lạnh thông thường đã giúp họ tránh lây nhiễm COVID-19.
Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu cũng thận trọng cảnh báo không nên sử dụng phát hiện này như một biện pháp phòng chống dịch vì cách phòng ngừa COVID-19 hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắc xin đầy đủ, bao gồm cả mũi tăng cường.
Một vấn đề khác đặt ra đối với nhóm được coi là "miễn nhiễm COVID-19" này là liệu gene di truyền có đóng vai trò nào hay không.
Nhà nghiên cứu András Spaan thuộc Đại học Rockefeller đã thu thập và phân tích dữ liệu gene của khoảng 700 người, với nhiều tiêu chí như xét nghiệm trong phòng thí nghiệm xác nhận người đó chưa từng mắc COVID-19, tiếp xúc với virus mật độ cao mà không có phương tiện bảo vệ như khẩu trang hay tiêm chủng.
Dù vậy, đến nay vẫn chưa xác định được bất kỳ sự khác biệt nào về gene liên quan vấn đề này. Ông Spaan cũng nhất trí rằng tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu duy nhất để ngăn bệnh trở nặng.
Theo các chuyên gia y tế, những người chưa mắc COVID-19 cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa đã chứng tỏ hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh, như tiêm chủng và đeo khẩu trang, vì không thể biết được người nào mắc bệnh sẽ có nguy cơ bệnh trở nặng, tử vong, hay phát triển các triệu chứng COVID-19 kéo dài, vốn rất khó chẩn đoán và điều trị.
Ngoài ra, việc không mắc COVID-19 ở một thời điểm nào đó trong đại dịch không đảm bảo sẽ không nhiễm bệnh trong tương lai.