Hỏi: Kính thiên văn có cấu tạo thế nào, cách sử dụng ra sao?
Nguyễn Quốc Khánh (Hà Nội)
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam: Về mặt kỹ thuật, kính thiên văn là một thiết bị quang học có khả năng phóng đại hình ảnh của vật thể ở xa bằng việc sử dụng hệ thống kính và gương cầu được sắp xếp theo thứ tự nhất định. Thuật ngữ “kính thiên văn” (telescope) thường ám chỉ kính thiên văn quang học, nhưng thực tế có nhiều loại kính thiên văn hoạt động trên các dải bước sóng khác nhau, từ sóng vô tuyến cho tới tia gamma. Mục đích chính của kính thiên văn là thu gom ánh sáng và các bức xạ do vật thể ở xa phát ra và hội tụ chúng vào một tiêu điểm, nơi ảnh có thể được quan sát, chụp lại hoặc khảo sát.
Có 3 loại kính thiên văn cơ bản, cội nguồn để phát triển những phiên bản cải tiên hơn: Kính thiên văn khúc xạ sử dụng một thấu kính để thu nhận và hội tụ ánh sáng. Các thấu kính đặt phía trước kính thiên văn và ánh sáng bị bẻ cong (khúc xạ) khi đi qua các thấu kính này. Phần lớn những người bắt đầu tìm hiểu thiên văn sẽ dùng kính khúc xạ bởi vì chúng dễ sử dụng và cần ít bảo dưỡng hơn các loại khác.
Kính thiên văn phản xạ sử dụng gương để thu nhận và hội tụ ánh sáng. Tất cả thiên thể đều nằm quá xa đến nỗi ánh sáng từ chúng đến Trái Đất là các tia sáng song song. Vì các tia sáng song song với nhau, gương của kính thiên văn phản xạ được làm thành dạng cong parabol để có thể hội tụ các tia sáng song song vào một điểm. Tất cả kính thiên văn phục vụ nghiên cứu và các kính thiên văn nghiệp dư lớn hiện nay đều là kính phản xạ bởi vì chúng có những ưu điểm vượt trội hơn kính khúc xạ. Loại kính thiên văn phức hợp/tổ hợp có thể xem là “con lai” giữa kính phản xạ và kính khúc xạ. Chúng kết hợp những đặc tính tốt nhất của cả hai loại do vậy có giá thành cao hơn.