Y học và đời sống

Suy thận sau... 3 tháng uống thuốc “trị bách bệnh”

  • Tác giả : Giang Thu
Tin vào bài thuốc nam “trị bách bệnh” được quảng cáo trên mạng, người đàn ông phải nhập viện cấp cứu vì khó thở, thiếu máu, toàn thân phù nề.

Ngưng thuốc chỉ định, “lén” uống thuốc nam

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh nhân M. 57 tuổi, (TP HCM) đến bệnh viện khám trong tình trạng bị khó thở, phù nề, thiếu máu.

Qua khai thác bệnh sử được biết, cuối năm 2024, bệnh nhân M. đi khám sức khỏe định kỳ phát hiện bị bệnh thận mạn giai đoạn 3A, với độ lọc cầu thận (eGFR) 59 ml/phút/1.73 m2. Được kê thuốc uống điều trị nội khoa và hẹn tái khám theo dõi chức năng thận. Song, có quan niệm “uống thuốc tây điều trị thận lâu dài sẽ hại gan, nóng máu”, bệnh nhân bỏ dở điều trị theo phác đồ, lên mạng tìm thuốc Nam.

Tin vào bài thuốc Nam “trị bách bệnh” được quảng cáo trên mạng, từ TP HCM bệnh nhân đi xe khách khoảng 100km tới Bình Phước gặp một thầy lang khám và mua 90 thang thuốc đóng gói sẵn về sắc uống ngày 3 lần. Chưa kịp uống hết, bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu vì khó thở, thiếu máu, toàn thân phù nề.

Suy thận sau... 3 tháng uống thuốc “trị bách bệnh”. Ảnh BVCC

Suy thận sau... 3 tháng uống thuốc “trị bách bệnh”. Ảnh BVCC

Theo bác sĩ CKII Hồ Tấn Thông, Đơn vị Nội thận – Lọc máu, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7 cho biết, thời điểm tiếp nhận tại trung tâm bệnh nhân M. được chẩn đoán bệnh thận mạn giai đoạn 3B, độ lọc cầu thận (eGFR) là 30 ml/phút. Trước đó 2 tháng – lúc nhập viện cấp cứu, độ lọc cầu thận của người bệnh còn thấp hơn, nay đã hồi phục được một phần. Ông được chỉ định điều trị nội khoa, uống thuốc bảo tồn chức năng thận.

“Tuy nhiên, suốt thời gian sau đó, chỉ số eGFR của người bệnh chỉ giảm mà không tăng lên, có lúc còn khoảng 17 ml/phút, tiến đến suy thận mạn giai đoạn 4. Khi được hỏi thì người bệnh mới thành thật là vẫn “lén” theo bài thuốc nam do muốn bệnh khỏi nhanh mà không phải đến viện nữa”, bác sĩ Thông cho biết.

Sau khi được bác sĩ giải thích tình hình hiện tại, nếu điều trị không đúng phác đồ, nguy cơ cao phải lọc máu suốt đời hoặc phải ghép thận để duy trì sự sống, bệnh nhân M. đã dừng uống thuốc Nam.

Không có thuốc “trị bách bệnh”

Hiện nay, có không ít người dân tin tưởng các bài thuốc Nam gia truyền được bào chế từ các loại cây cỏ trong tự nhiên như bạch mao căn (rễ cỏ tranh), rau ngổ, diệp hạ châu (cây chó đẻ răng cưa), hoàng liên thảo (cỏ mực), mã đâu linh (cây rễ gió)… Thuốc được rao bán tràn lan trên mạng với quảng cáo “phòng, trị bệnh suy thận cấp và bệnh thận mạn tính”, “uống thuốc phát huy tác dụng sẽ không cần chạy thận”, kèm theo hướng dẫn sử dụng sắc (nấu) với liều lượng “uống như nước uống trong ngày, uống tốt nhất là sáng – tối trước lúc đi ngủ một giờ”.

Theo Hướng dẫn Quốc gia về cảnh giác dược của Bộ Y tế, thuốc y học cổ truyền (còn gọi là thuốc Nam) được sử dụng lâu đời trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh và được xem là ít tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên trong thực tế sử dụng, các hiện tượng dị ứng, ngộ độc có liên quan đến thuốc y học cổ truyền cũng đã được ghi nhận. Một số phản ứng có hại có thể tiến triển từ từ sau một thời gian dài sử dụng thuốc y học cổ truyền như suy tim, suy gan, suy thận hoặc ung thư khi dùng kéo dài các thuốc có chứa chất độc đối với tim, gan, thận.

Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ rõ có thể chữa được bệnh thận mạn bằng các loại lá cây hay bài thuốc Nam rao trên mạng. Bác sĩ CKII Hồ Tấn Thông cho biết, việc uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần, không chỉnh liều theo chức năng thận, chế biến không đúng cách có thể khiến suy giảm chức năng thận, tăng áp lực lọc máu lên thận và khiến bệnh diễn tiến nặng hơn. Nguyên do là trong các loại lá cây và các bài thuốc rao bán trên mạng thường chứa kali và các chất độc hại khác sẽ làm gánh nặng cho thận, hoặc thậm chí gây nguy hại cho thận.

Với người bệnh thận mạn, chức năng thận đã suy giảm, thậm chí mất chức năng ở giai đoạn cuối, lượng nước tiểu sẽ giảm nhiều hoặc ngừng đi tiểu hoàn toàn, do đó người bệnh cần hạn chế uống nước. Tuy nhiên, các bài thuốc Nam đều được sắc (nấu) để uống, điều này dẫn đến việc thận phải tăng cường hoạt động trong khi vốn đã quá tải, khiến tổn thương nghiêm trọng hơn, dẫn đến tăng độ suy thận. Người bệnh thường nhập viện trong tình trạng toàn thân phù nề do cơ thể ứ nước.

Theo bác sĩ Thông, điều cần thiết nhất là phải cảnh báo đến người dân không nên tin theo các bài thuốc trên mạng mà tự ý bỏ phác đồ điều trị, bởi lẽ không có bài thuốc “trị bách bệnh” chữa được tất cả các bệnh về thận. Tùy theo diễn tiến bệnh và thể trạng của mỗi người mà bác sĩ kê đơn thuốc (tăng liều – giảm liều), chia thuốc theo từng giai đoạn của bệnh và phù hợp với chức năng thận của từng người. “Đừng để “tiền mất, tật mang”, khi đến bệnh viện đã quá muộn không thể bảo vệ được thận”, bác sĩ Thông nói.

Để làm chậm diễn tiến hay đẩy lùi mức độ bệnh, bác sĩ đưa ra lời khuyên cho người bệnh cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị để bảo tồn chức năng thận, thực hiện chế độ ăn dinh dưỡng như ăn thực phẩm giàu protein, giảm muối và hạn chế uống nước, duy trì cân nặng phù hợp, tập luyện thể chất nhẹ nhàng và tuân thủ lịch khám định kỳ.

Giang Thu