Khám phá

Sửng sốt hợp đồng hôn nhân 4.000 năm tuổi

Các chuyên gia khảo cổ vừa tìm thấy một bản hợp đồng hôn nhân có niên đại từ 4.000 năm trước ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có nói về việc mang thai hộ.

Nhóm khảo cổ Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu bởi GS Christopher Woods (ĐH Chicago, Mỹ) vừa công bố việc tìm thấy một bản hợp đồng hôn nhân có niên đại từ 4.000 năm trước ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được cho là một trong những bản hợp đồng hôn nhân lâu đời nhất thế giới.

Hợp đồng hôn nhân này được viết trên một bảng đất nung. Nó thuộc về một cặp vợ chồng sống trong thời Đế chế Assyrian, thuộc nền văn minh Mesopotamian rực rỡ của châu Á cổ đại. Hiện tại, khu vực khai quật được hợp đồng hôn nhân cổ đại thuộc quận Kültepe, Thổ Nhĩ Kỳ.

Sửng sốt hợp đồng hôn nhân 4.000 năm tuổi ảnh 1

Cận cảnh bản hợp đồng hôn nhân có từ 4.000 năm trước ở Thổ Nhĩ Kỳ, bao hàm những quy định chặt chẽ.

Nội dung trên bảng đất nung có những quy định chặt chẽ, rõ ràng: nếu trong hai năm, người phụ nữ không thể sinh con, người chồng được phép “nhờ” một nữ nô lệ “mang thai hộ”.

Theo hợp đồng, người chồng được phép tạm chung sống với nữ nô lệ để có con. Sau khi nữ nô lệ sinh con đầu lòng thì sẽ được giải phóng khỏi thân phận nô lệ và được tự do rời khỏi nhà của người chủ. Đứa con mà nữ nô lệ sinh ra sẽ là con của người chồng và người vợ chính thức.

Hiện hợp đồng hôn nhân có từ 4.000 năm trước được trưng bày tại bảo tàng Khảo cổ học Istanbul như là một bằng chứng sớm nhất trong lịch sử đề cập đến vấn đề vô sinh.

MT (Tổng hợp)