Dữ liệu y khoa

Sụn chêm hình đĩa gây thoái hóa khớp sớm ở trẻ

  • Tác giả : PGS.TS Trần Trung Dũng
(khoahocdoisong.vn) - 1 - 3% dân số bị sụn chêm hình đĩa. Ở trẻ dễ gây đau, kẹt khớp, hạn chế vận động và không co duỗi được...

Sụn chêm hình đĩa (thay cho hình trăng lưỡi liềm) là một bất thường về hình thái, thường do bẩm sinh. Do bất thường về hình thái nên sụn chêm hình đĩa dễ bị tổn thương hơn. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có sụn chêm hình đĩa nhưng hầu như không có triệu chứng trong suốt cả cuộc đời mà chỉ tình cờ phát hiện khi thăm khám cộng hưởng từ khớp gối vì một lý do khác.

Sụn chêm hình đĩa thường gặp ở sụn chêm ngoài, rất hiếm gặp ở sụn chêm trong. Tỷ lệ bị sụn chêm hình đĩa theo y văn chiếm từ 1 - 3% dân số và khoảng 20% các trường hợp gặp ở khớp gối 2 bên.

Về mặt tổn thương, sụn chêm hình đĩa có ba loại: Không hoàn toàn, hoàn toàn và loại có dây chằng Wrisberg di động, dây chằng này có vai trò neo giữ sụn chêm vào mâm chầy, khi bị tổn thương hoặc không có sẽ làm cho sụn chêm di động quá mức dễ gây đau và kẹt khớp.

Sụn chêm hình đĩa dễ bị tổn thương do cấu trúc bất thường nên dễ làm sụn chêm bị kẹt khi khớp gối vận động gây đau và rách sụn. Trong trường hợp dây chằng neo sụn chêm vào mâm chầy không có hoặc lỏng lẻo, nguy cơ này càng cao hơn. Khi bị tổn thương, kể cả sụn chêm bình thường cũng rất khó liền do cấu trúc nghèo mạch máu.

Nguyên nhân của sụn chêm hình đĩa không thật sự rõ ràng, một số tác giả cho rằng có sự bất thường trong quá trình phát triển của thai nhi làm cho sụn chêm bị kéo giãn và hình thành cấu trúc hình đĩa. Chấn thương sụn chêm hình đĩa thường gặp khi gối bị xoắn vặn như khi trụ chân hoặc thay đổi hướng di chuyển, tuy nhiên một số trường hợp thì cũng không xác định được cơ chế chấn thương rõ ràng.

Những triệu chứng chủ yếu của sụn chêm hình đĩa có thể gặp (do rách hoặc không) như đau, hạn chế vận động gối hoặc sưng nề, kẹt khớp gối hoặc không duỗi được hết. Tổn thương sụn chêm hình đĩa do chấn thương dễ gặp ở trẻ thiếu niên nên nếu sau một chấn thương khớp gối hoặc trong trường hợp không có lịch sử chấn thương rõ ràng nhưng bệnh nhân có các biểu hiện như trên, đã loại trừ các nguyên nhân nội khoa khác thì cần phải thăm khám xác định xem liệu có phải tổn thương sụn chêm hình đĩa hay không.

Chụp phim cộng hưởng từ khớp gối để xác định mức độ và hình thái tổn thương. Khi có triệu chứng lâm sàng phải phẫu thuật qua nội soi với việc cắt sửa phần sụn chêm rách và tạo hình lại sụn chêm cho có cấu trúc gần giống bình thường. Một số trường hợp phần sụn chêm rách cũng có thể được khâu lại, tuy nhiên phụ thuộc vào việc đánh giá tổn thương trong mổ.

Sau mổ, bệnh nhân có thể đeo nẹp mềm hỗ trợ, chống nạng trong một thời gian nhất định sau đó trở lại sinh hoạt bình thường. Một số trường hợp có thể phải phục hồi chức năng nếu như gối bị hạn chế duỗi trong một thời gian dài. Đa số các bệnh nhân có thể trở lại với sinh hoạt vận động bình thường, tuy nhiên trong một số trường hợp tổn thương nặng có thể bệnh nhân vẫn bị triệu chứng đau và về lâu dài có nguy cơ thoái hóa khớp sớm.

PGS.TS Trần Trung Dũng (Khoa Cơ xương khớp, Đại học Y Hà Nội)

PGS.TS Trần Trung Dũng