Doanh nghiệp

Sun Air – dẫn dắt một xu hướng của tương lai

  • Tác giả : PV
Khi hãng hàng không Sun Air ra đời, rất dễ mô tả họ bằng từ “cao cấp” hay hơn thế nữa, vì họ mong muốn khai thác các chuyến chuyên cơ. Nhưng chuyên cơ còn hơn thế, nó là một lối sống đang hình thành.

Tỷ phú Mark Cuban đã mua một chiếc Gulfstream mà không cần xem, không tự bay thử chuyến nào. Nhà đầu tư của Shark Tank tin rằng mình không sở hữu máy bay, mà đang mua thời gian. Đó là tài nguyên không gì đánh đổi được. Khi các nhà đầu tư huyền thoại tin rằng chuyên cơ không phải là chuyện khoe mẽ, một thị trường hàng chục tỷ USD cho chuyên cơ hình thành.

Bên trong chiếc Gulfstream G650ER tại Triển lãm hàng không cao cấp Airshow 2022 tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).

Bên trong chiếc Gulfstream G650ER tại Triển lãm hàng không cao cấp Airshow 2022 tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).

Việt Nam đã khởi động việc tham gia vào thị trường này khi Sun Group chính thức tuyên bố ra mắt hãng hàng không chung cao cấp Sun Air đầu năm 2022. Một trong những lĩnh vực kinh doanh tập trung của hãng này, sẽ là các chuyến bay chuyên cơ đặt riêng (charter private jet). Dự kiến giai đoạn đầu tiên, họ sẽ khai thác hai tàu và nâng lên 7 chiếc trong vài năm tới.

Những triển vọng bất tận

Những chuyến bay cá nhân hóa (private jet) – hay là chuyên cơ - có lợi ích gì?

Rất dễ bật ra rằng những chuyến chuyên cơ tồn tại vì… người ta có tiền chi trả cho chúng. Nhưng lợi ích dành cho các khách hàng chỉ là một phía của câu chuyện. Từ lâu, đã tồn tại nhiều số liệu khẳng định rằng việc tồn tại những chuyến chuyên cơ sẽ trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế các vùng đất.

Năm 2019, trên Forbes, nhà nghiên cứu Doug Gollan, người đã dành hàng thập kỷ theo dõi sự phát triển của ngành private jet tại Mỹ, sử dụng số liệu để chứng minh rằng một chuyến chuyên cơ có thể mang lại cho một vùng du lịch nhiều tương đương một chuyến 737 lấp đầy hành khách.

Theo số liệu của Gollan, hành khách trên mỗi chuyến chuyên cơ tiêu 85.000USD cho mỗi lần hạ cánh xuống một vùng đất. Đổi ra tiền Việt, con số này là khoảng 2 tỷ đồng, tức là trung bình vài trăm triệu đồng mỗi du khách bay chuyên cơ. Đây không phải con số khó tưởng tượng: đây là các nhân vật sẽ ở trong các phòng khách sạn có giá hàng nghìn đến cả chục nghìn USD mỗi đêm, mua sắm, sử dụng spa hay ăn tối trên bãi biển riêng.

Trong khi đó, một du khách trung bình đến một địa điểm nổi tiếng, như London chẳng hạn, sẽ tiêu khoảng dưới 700USD. Một chuyến bay thương mại với 150 hành khách sẽ mang lại giá trị kinh tế nhiều hơn một chút hơn so với một chuyến Gulfstream hay Cessna. Và mức 700USD trung bình mỗi khách thực ra là mức rất cao nếu so với mặt bằng châu Âu hay Việt Nam (một khách quốc tế đến Phú Quốc chỉ tiêu khoảng 150USD/ngày).

Máy bay Gulfstream G650ER.

Máy bay Gulfstream G650ER.

Các hạ tầng dịch vụ cho giới thương nhân, hành khách hạng sang hay nói chung là “tập khách chi trả cao” từ lâu đã là hướng phát triển bắt buộc của nhiều vùng đất tại Việt Nam. Một thống kê của NBAA – Hiệp hội hàng không thương gia Mỹ - năm 2019 khẳng định rằng việc xuất hiện của một chuyên cơ mang lại ngay 2,5 triệu USD cho một vùng đất.

Chúng không chỉ đến từ việc chi tiêu của các hành khách sau khi máy bay hạ cánh. Bản thân việc vận hành các máy bay tạo ra nhiều việc làm, từ phi công, tiếp viên, kỹ thuật viên, nhân viên mặt đất cho đến các kỹ sư và nhân viên văn phòng.

Tất nhiên, những đóng góp này đến từ hầu bao của các hành khách thượng lưu. Và để chi trả cao cho việc di chuyển, những lợi ích mà các cá nhân này thu về cũng tương đương, hoặc lớn hơn so với những gì họ bỏ ra. Mỗi chuyến bay cá nhân có thể tiết kiệm nhiều tiếng đồng hồ so với việc làm thủ tục ở sân bay – thời gian này được đầu tư cho việc giải quyết công việc. Hoặc ngược lại, nếu một cuộc họp kéo dài, một CEO vẫn yên tâm rằng máy bay đang chờ mình ở sân bay, thay vì phải hủy chuyến, đổi vé và chờ đợi chuyến bay thương mại tiếp theo.

Nội thất bên trong máy bay G700 của Gulfstream.

Nội thất bên trong máy bay G700 của Gulfstream.

Không gian của chuyên cơ cũng cho phép hành khách được tiếp tục làm việc. Sự linh hoạt thời gian và tiện nghi thực chất luôn trở thành tài nguyên để các thương nhân tiếp tục biến thành giá trị kinh tế. Đó là lý do mà ngay cả những người đã thừa thãi danh tiếng và hình ảnh, không đề cao vẻ ngoài, vẫn sử dụng chuyên cơ như phương tiện di chuyển chính: các cựu tổng thống Bill Clinton, Barrack Obama, các học giả Nobel, các nhà khoa học Havard.

“Tôi mua nó để tiết kiệm thời gian”, tỷ phú Mark Cuban nói về quyết định mua một chiếc Gulfstream V. Ông mua máy bay riêng… qua Internet và không bay thử chuyến nào. Ông chỉ cho phi công riêng bay thử một chuyến để kiểm tra. “Tôi tin rằng thời gian là thứ tài sản quý giá nhất mà chúng ta không thể sở hữu được. Bất kể thứ gì tôi có thể dùng để có thêm thời gian dành cho gia đình mình, là một thắng lợi”.

Tầm nhìn của Sun Group

Chuyên cơ không phải là thứ chỉ để phục vụ cho vị thế xã hội, hay sự giàu có ở vẻ ngoài – nó là một dịch vụ thiết thực với cả những cộng đồng cần kết nối lẫn những hành khách luôn thiếu thời gian.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group khẳng định rằng: Sun Air sẽ là “sản phẩm đi trước đón đầu, dẫn dắt xu hướng và ghi tên Việt Nam lên bản đồ du lịch cao cấp thế giới”. Hãng này nhận định rằng cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, khả năng đáp ứng cho khách hàng cao cấp của ngành du lịch Việt Nam (mà chính Sun Group góp phần tạo dựng), nhu cầu về các chuyến bay cá nhân hóa đang hình thành và sẽ sớm trở thành một thị trường trọng yếu trong tương lai.

Chuyên cơ G600 của Gulfstream.

Chuyên cơ G600 của Gulfstream.

Đó là một mảnh ghép mới nhất trong một bức tranh mà Sun Group đã tỉ mỉ hoàn thiện gần 15 năm qua tại Việt Nam – một hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí – bất động sản cao cấp. Tại nhiều vùng đất, Sun Group đã xây dựng hạ tầng lưu trú, nghỉ dưỡng và giải trí hướng tới tập khách chi trả cao: những resort được tôn vinh là “Đẹp nhất châu Á”, thậm chí là “sang trọng hàng đầu thế giới” bởi các tổ chức uy tín, những công viên chủ đề được thiết kế bởi các cựu thành viên Disneyland và những bất động sản ven biển được chắp bút bởi các kiến trúc sư hàng đầu thế giới. Và không phải bây giờ Sun Group mới mơ đến bầu trời. Họ đã có sân bay Vân Đồn – sân bay đầu tiên của Việt Nam được xây dựng bằng vốn tư nhân. Sun Air sẽ là nét vẽ mới nhất để hoàn thiện hệ sinh thái này.

Sun Air sẽ sử dụng máy bay Gulfstream. “Trên thế giới, Gulfstream là cái tên định danh cho những chiếc phi cơ siêu tốc độ, bay xa hơn và nhanh hơn bất kỳ chuyên cơ nào, an toàn và tiện nghi như những dinh thự bay”, ông Reiner Suess, Giám đốc vận hành Sun Air chia sẻ. Họ dự kiến sẽ có 7 chiếc trong năm 2025.

Bên cạnh những chuyến chuyên cơ, Sun Air cũng sẽ phục vụ tập khách hạng sang bằng các tàu thủy phi cơ và trực thăng – vẫn hướng tới việc biến tiện nghi thành một thứ hàng hóa thiết yếu cho một lối sống mới đang hình thành.

PV