Thời sự

Sốt và đau hạ sườn bất ngờ phát hiện khối mủ áp xe gan khổng lồ

  • Tác giả : TSBS. Đặng Chiều Dương
Người bệnh 55 tuổi, bị sốt, mệt mỏi, đau hạ sườn đi khám bị mủ áp xe gan. Có rất nhiều nguyên nhân gây áp xe gan mọi người cần biết để phòng tránh.

Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp vừa tiếp nhận trường hợp người bệnh N.T.T (55 tuổi) sốt 3 ngày liên tiếp, mệt mỏi, đau hạ sườn phải, cảm giác khó thở, ăn uống kém, ở nhà uống thuốc không đỡ người bệnh đã đến khám điều trị tại Khoa.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, kết quả siêu âm của người bệnh cho thấy có ổ áp xe gan hạ phân thuỳ VIII, kích thước 85x76x65mm.

Người bệnh đã được chỉ định: Siêu âm can thiệp chọc hút mủ ổ áp xe gan. Trong quá trình chọc hút, bác sĩ đã hút ra 150ml dịch mủ trắng và mủ nâu, có mùi hôi. Sau khi hút xong ổ áp xe xẹp lại, sức khỏe của người bệnh tiến triển tốt, ăn uống bình thường.

Siêu âm can thiệp – Chọc hút mủ ổ áp xe gan tại Khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp) Siêu âm can thiệp – Chọc hút mủ ổ áp xe gan tại Khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp)

Gan là cơ quan đảm nhận nhiều chức năng quan trọng của cơ thể như chuyển hóa, dự trữ năng lượng, miễn dịch, thải độc, tạo mật….

Bệnh áp xe gan xuất hiện khi tổ chức tế bào gan bị phá hủy tạo thành ổ mủ trong nhu mô gan. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến là amip và vi khuẩn, ngoài ra có thể do sán lá gan lớn.

Áp xe gan do amip Entamoeba Histolytica: đường kính 20 – 40 µm, thể này ăn hồng cầu và là thể gây bệnh. Đường lây truyền: đường phân – miệng. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, các bào nang amip một phần bị đào thải ra ngoài, một phần phát triển thành amip trưởng thành gây bệnh.

Amip có thể gây các tổn thương viêm loét áp xe thành đại tràng hoặc theo hệ thống tĩnh mạch cửa về gan gây áp xe gan. Bệnh thường gặp ở các nước có khí hậu nhiệt đới với điều kiện xã hội, vệ sinh còn thấp kém trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây tỷ lệ mắc áp xe gan do amip đã có xu hướng giảm đi khi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được chú ý nhiều hơn.

Áp xe gan do vi khuẩn: Vi khuẩn gây bệnh thường gặp là Klebsiella pneumoniae, Escherichia Coli, Enterobacteriaceae, Anaerobes… Trong 2 thập kỷ qua, Klebsiella pneumoniae là mầm bệnh chiếm ưu thế với tỷ lệ 50 – 85% căn nguyên gây áp xe gan do vi khuẩn ở Châu Á. Vi khuẩn vào gan theo nhiều đường khác nhau gồm:

Theo đường mật: thường gặp ở các người bệnh mắc bệnh lý về đường mật như sỏi mật, giun chui ống mật, các bệnh lý gây tắc mật… hoặc sau các thủ thuật can thiệp vào đường mật như ERCP, đặt stent đường mật.

Theo đường tĩnh mạch cửa: nhiễm khuẩn xuất phát từ ống tiêu hóa tạo điều kiện cho vi khuẩn có thể theo tĩnh mạch cửa đến khu trú tại gan gây ra áp xe gan.

Theo đường bạch huyết và động mạch gan: các nhiễm khuẩn trong cơ thể gây ra nhiễm khuẩn huyết giúp cho vi khuẩn di chuyển theo đường động mạch gan hoặc bạch huyết đến gây ra các ổ di bệnh tại gan.

Trong thời gian gần đây, áp xe gan do vi khuẩn đang có chiều hướng gia tăng ở các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam. Bệnh thường gặp ở những người bệnh mắc có tình trạng suy giảm miễn dịch kéo dài như: đái tháo đường, xơ gan, ung thư… Các nghiên cứu chỉ ra rằng 29,3 – 44,3% người bệnh mắc áp xe gan vi khuẩn có kèm theo đái tháo đường; người bệnh xơ gan có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 15,4 lần so với dân số nói chung.

Áp xe gan do sán lá gan lớn: Sán lá gan lớn có 2 loài: Fasciola hepatica và Fasciola gigantica. Ở Việt Nam, Fasciola gigantica là loài gây bệnh chủ yếu. Đường lây truyền: đường phân – miệng. Ấu trùng sán sau khi vào cơ thể người sẽ xuống tá tràng tự tách vỏ thành sán trưởng thành, xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan gây áp xe gan. Sán trưởng thành sẽ đẻ trứng theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân xuống nước bám vào các sinh vật thủy sinh đặc biệt là ốc để tiếp tục vòng đời.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh áp xe gan: Vỡ ổ áp xe gan vào khoang màng phổi, phổi, ổ bụng, màng ngoài tim, thành bụng…; Nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn; Suy kiệt, phù, tràn dịch đa màng.

Như vậy, áp xe gan nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng của người bệnh. Do đó, khi có biểu hiện kể trên người bệnh nên đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị. Phương pháp siêu âm can thiệp chọc hút mủ ổ áp xe có hiệu quả cao trong điều trị người bệnh áp xe gan.

Dấu hiệu nhận biết bệnh áp xe gan bao gồm:

Sốt: không đặc hiệu riêng cho áp xe gan. Nhiệt độ thường thay đổi có khi sốt nhẹ < 380C, có khi sốt cao > 390C kèm theo rét run. Sốt liên tục hoặc ngắt quãng, có thể có sốt cơn. Sốt thường là triệu chứng đầu tiên, xảy ra vài ngày trước sau đó mới xuất hiện triệu chứng đau vùng gan và gan to.

Đau vùng gan: đau chủ yếu ở vùng dưới sườn bên phải, mức độ đau khác nhau tùy từng trường hợp, có thể âm ỉ, nặng tức, thậm chí dữ dội nhất là khi ổ áp xe gan dọa vỡ

Gan to: gan thường to không nhiều 3 – 4 cm dưới bờ sườn phải, mật độ mềm, bờ tù, ấn đau. Dấu hiệu ấn kẽ liên sườn thường tìm thấy điểm đau chói

Các triệu chứng toàn thân khác: Gầy sút cân, phù, thiếu máu, tràn dịch màng phổi, vàng da, lách to… (thường gặp ở thể nặng).

TSBS. Đặng Chiều Dương (Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa, bệnh viện Hữu Nghị Việt - Tiệp)

TSBS. Đặng Chiều Dương