Cuộc đời công chúa Ngọc Bình qua những ghi chép của lịch sử, có thể khẳng định khá đặc biệt. Nàng là con vua Lê, lại lấy hai đời chồng là vua của 2 vương triều đối nghịch nhau là Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn và Gia Long triều Nguyễn.
Hương thảo mỹ nhân
Chu Quang Trứ, cho biết: Công chúa Lê Ngọc Bình là con gái út của vua Lê Hiển Tông và mẹ nàng là bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều. Ngọc Bình và Ngọc Hân là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tuy nhiên, mẹ Ngọc Bình lại cùng quê với mẹ Ngọc Hân. Cả hai đều xuất thân tại làng Nành, xã Ninh Hiệp (Gia Lâm – Hà Nội).
Theo một tài liệu công bố vào năm 2004 của nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Khắc Quýnh thì Lê Ngọc Bình cũng là con nuôi của bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền – mẹ Lê Ngọc Hân.
Tranh minh họa Ngọc Bình công chúa.
Theo GS. Chu Quang Trứ, thì có rất nhiều tài liệu khác nhau ghi chép về năm sinh của Ngọc Bình. Có ghi chép cho rằng Ngọc Bình sinh năm 1783, khi vua Hiển Tông đã 67 tuổi. Ngọc Bình kém chị là Ngọc Hân đến một giáp và nàng bằng tuổi vua Cảnh Thịnh.
Tuy nhiên, cũng có tài liệu khẳng định Ngọc Bình công chúa sinh năm 1775, chỉ kém Ngọc Hân 4 tuổi và hơn Cảnh Thịnh đến 8 tuổi. “Tài liệu này có lẽ không chính xác, nhưng chúng ta hiện chưa có tài liệu nào thuyết phục để chứng minh chính xác năm sinh của Ngọc Bình”, GS. Trứ cho hay.
Hiện nay, vẫn còn những câu chuyện truyền miệng trong dân gian miêu tả về sắc đẹp của nàng Ngọc Bình. Chuyện rằng, nàng có dung nhan đẹp như trăng rằm. Khuôn mặt “phấn điêu ngọc mài” càng làm nổi bật phần cổ trắng ngần sang trọng của nàng.
Thậm chí, Ngọc Bình còn được miêu tả là người có mùi hương tự nhiên rất lạ, có thể cuốn hút được cả đàn bướm như hoa thơm vườn bách thảo.
Vậy nên người đời đã gọi nàng là “hương thảo mỹ nhân”. Vua Lê Hiển Tông rất yêu chiều hai cô con gái có dung mạo như hoa như ngọc nên thường xuyên ban tặng nhiều vật phẩm quý báu.
Chị em thành mẹ – con
Năm 1786, chị gái Ngọc Hân tròn 16 tuổi, vua Lê Hiển Tông ban duyên với tướng Tây Sơn là Nguyễn Huệ. Sau này khi Nguyễn Huệ lên ngôi lấy hiệu Quang Trung, Ngọc Hân được phong làm Bắc Cung hoàng hậu.
Vua Gia Long, người chồng thứ hai của Ngọc Bình.
Khi vua Lê Hiển Tông băng hà, Lê Chiêu Thống nối ngôi. Ngọc Hân theo Nguyễn Huệ về Thuận Hóa.
Năm 1792, Quang Trung hoàng đế đột ngột băng hà, hoàng tử Quang Toản mới 10 tuổi nối ngôi, đặt hiệu là Cảnh Thịnh. Quyền lực thực tế lúc này của nhà Tây Sơn rơi vào tay cậu ruột vua Cảnh Thịnh là Thái sư Bùi Đắc Tuyên.
Đến năm 1795, Đô đốc Võ Văn Dũng phối hợp bí mật với một số tướng lĩnh lập mưu giết bỏ Bùi Đắc Tuyên để giành thực quyền cho vua Cảnh Thịnh. Lúc này, Thái hậu Lê Ngọc Hân mai mối em gái là Ngọc Bình kết duyên với vua Cảnh Thịnh, và nàng trở thành chính cung hoàng hậu nhà Tây Sơn.
Từ vị trí em gái, Ngọc Bình trở thành con dâu của Ngọc Hân. Lịch sử không ghi chép gì về người con nào của nàng với Cảnh Thịnh.
Lại có lời đồn đoán trong dân gian là hoàng hậu Ngọc Bình và vua Cảnh Thịnh kết hôn với nhau nhưng chỉ sống cuộc đời “kính nhi viễn chi”.
Mất chồng rồi lại lấy chồng
Triều đại Tây Sơn dưới thời vua Cảnh Thịnh đã rơi vào suy yếu. Trong khi đó, thực lực nhà Nguyễn ở Đàng Trong ngày một mạnh thêm. Tháng 5/1801, khi Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân, vua tôi Quang Toản bỏ chạy ra Bắc Hà.
Nhưng cuối cùng anh em vua Cảnh Thịnh, các công chúa, hoàng tử và các quan viên trung thành với nhà Tây Sơn đều bị bắt. Người sống bị hành hình, người chết bị quật mộ.
Toàn bộ hậu cung vua Cảnh Thịnh đều rơi vào tay Nguyễn Ánh, trong đó có cả hoàng hậu Ngọc Bình. Lúc này, hoàng hậu vừa chớm 19 tuổi.
Làng Nành, quê của bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều, mẹ công chúa Ngọc Bình.
Trong sách “Quốc sử di biên” của một cận thần triều Nguyễn là Phan Thúc Trực có đoạn chép về hoàn cảnh công chúa Ngọc Bình trở thành vợ Gia Long như sau:
“Năm Nhâm Tuất, Gia Long năm đầu (1802)… Ngày 21 Canh Thân, Thế tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long… hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua… Bọn Tổng Thám lại dâng nạp bà phi là Lê Thị Ngọc Bình vào trong nội cung nhà vua”.
Mặc cho các cận thần nhà Nguyễn kịch liệt phản đối vì cho rằng “thiên hạ thiếu gì đàn bà mà lại lấy thừa vợ của vua nguỵ”. Tuy nhiên, Gia Long vẫn bỏ ngoài tai. Ông còn lớn tiếng rằng: “Tất cả giang sơn này, cái gì mà ta không lấy từ trong tay giặc, cứ gì một người đàn bà?”.
Mặc lời can ngăn, sau đó Ngọc Bình vẫn được nạp làm phi, nàng được tấn phong Đệ tam cung Đức Phi (đứng thứ ba sau hai bà hoàng hậu là Thừa Thiên, mẹ hoàng tử Cảnh và Thuận Thiên, mẹ vua Minh Mạng).
Sử nhà Nguyễn cũng ghi chép, Ngọc Bình sinh cho Gia Long bốn người con, là hoàng tử Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân và Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự; hai công chúa là Mỹ Khê Ngọc Khuê và An Nghĩa Ngọc Ngôn.
“Nữ tử thời phong kiến chính là như vậy. Hồng nhan thì đa truân. Ngọc Bình mất chồng rồi lại lấy chồng. Không có tài liệu nào ghi chép lại trong cuộc hôn nhân thứ 2 với Nguyễn Ánh có hạnh phúc hay không?” GS. Chu Quang Trứ cho biết.
Năm 1810, Đức phi Ngọc Bình qua đời được ban thụy là Cung Thận Đức phi, an táng tại làng Trúc Lâm. Năm 2008 tẩm mộ được cải táng về đồi Mâm Xôi, thuộc khu Đồng Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế).
Sách “Đại Nam thực lục”, chép: “Canh ngọ, Gia Long năm thứ 9 (1810), Chiêu viên là Lê thị (con gái út của vua Lê Hiển Tông) mất, tặng Đức phi, an táng ở Trúc Lâm, lập từ đường ở Kim Long. Thưởng cho binh dân 600 quan tiền”.
Trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca: Số đâu có số lạ lùng/Con vua lại lấy hai chồng làm vua. Theo GS. Chu Quang Trứ, câu ca ám chỉ Ngọc Bình không giữ tiết hạnh.
“Nhưng đứng ở góc độ chính trị, Ngọc Bình là người bên phe thua trận, Gia Long nhìn trúng nàng có thể là cái phúc. Bởi nàng lần nữa lại được sống trong cuộc đời “cẩm y ngọc thực”, GS. Chu Quang Trứ nhận định.
Như vậy, Ngọc Bình công chúa cùng với Dương Vân Nga là hai phụ nữ làm vợ của hai vị vua thuộc hai triều đại khác nhau.
“Do lịch sử đưa đẩy, công chúa Ngọc Bình trở thành người có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam. Dù nàng không để lại nhiều dấu ấn nhưng là một phần lịch sử đặc biệt trải qua 3 triều đại Hậu Lê, Tây Sơn và Nguyễn”, GS. Chu Quang Trứ.
Phong Điền – Trần Hòa