Khám phá

Sơ lược cuộc đời Hiếu Trang Văn Hoàng hậu

  • Tác giả : Chử Cường
Hiếu Trang Văn Hoàng hậu trong lịch sử có họ Bác Nhĩ Tề Cát Đặc (tên gọi Bố Mộc Bố Thái hoặc dịch là Bản Bố Thái). Truyền thuyết trong dã sử nói Bà tên Đại Ngọc Nhi, thực tế là không có căn cứ.
hieu-trang-van-hoang-hau-1.jpg
Tranh về Hiếu Trang Thái hậu.

Hiếu Trang Văn Hoàng hậu sinh ngày 8 tháng 2 năm Vạn Lịch thứ 41 nhà Minh (dương lịch 28/3/1613), là con gái thứ 2 của Bối lặc Trại Tang, bộ lạc Khoa Nhĩ Tấm, Mông Cổ. Bộ lạc này sớm đã theo về Hậu Kim, tạo mối thông gia hai phía, cùng củng cố liên minh chính trị.

Tháng 2 năm Thiên Mệnh thứ 10 của Hậu Kim (1625), Bố Mộc Bố Thái khi đó tuổi mụ là 13 được anh trai Ngô Khắc Thiện kèm đưa sang tân đô Liêu Dương của Hậu Kim, kết hôn với con trai thứ 8 của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Hoàng Thái Cực (34 tuổi), làm Trắc Phúc Tấn (vợ bé). Vào 11 năm trước, người cô ruột Trắc Trắc của Bà đã kết hôn với Hoàng Thái Cực, làm Chính phòng Đại Phúc Tấn. Chín năm sau, vào năm Thiên Thông thứ 8 (1634), Hoàng Thái Cực đã thừa kế vị Hãn lại lấy chị gái Hải Lan Châu của Bà. Cả ba cô cháu ruột cùng lấy một chồng.

Sau kết hôn, bố Mộc Bố Thái sinh liền cho Hoàng Thái Cực ba con gái. Năm Thiên Thông thứ 3 (1629), thứ 6 (1632) và thứ 7 (1633) sinh thêm ba công chúa nữa.

Tới năm 1636, Hoàng Thái Cực đổi quốc hiệu là Đại Thanh, xưng đế ở Thịnh Kinh (Thẩm Dương) và lập chế độ hậu cung, trong rất nhiều người vợ, đã phân phong ra năm cung hậu phi. Bố Mộc Bố Thái được phong làm Trang Phi, cung Vĩnh Phúc phía Tây (bên này Hoàng Thái Cực còn sắp đặt hai cung nữa cho hai phi người Mông Cổ khác, do chinh phục được hai bộ lạc này và suy xét về chính trị). Người cô ruột Triết Triết đương nhiên được lập làm chính cung Hoàng hậu. Người chị ruột Hải Lan Châu được phong làm Thần phi, cung Quan Thư phía Đông, địa vị sau Hoàng hậu.

Trong hậu cung, Thần phi được sủng ái nhất, Trang phi trẻ nhất cũng khá được ưu ái. Tháng 1 năm Sùng Đức thứ 3 (1638), hoàng tử thứ 8 do Thần phi sinh, được Hoàng Thái Cực coi là người kế vị, đã chết yểu. Đúng lúc này, hai ngày sau Trang phi sinh ra hoàng tử thứ 9 là Phúc Lâm, đã nâng cao địa vị của Bà.

hieu-trang-van-hoang-hau-2.jpg
Tượng về Hiếu Trang Thái hậu.

Sử sách nhà Thanh nói Trang phi từng "phò tá Thái Tông Văn Hoàng đế", nhưng thời của Thái tông Hoàng Thái Cực, khi đó Trang phi quá trẻ không thể có được bao nhiêu sự thể hiện và hành động trên chính trường. Chỉ có dân gian thịnh hành câu chuyện "Trang phi khuyến khích trồng ruộng", để lót nền cho thuyết "Thái hậu lấy chồng".

Ngày 9/8 năm Sùng Đức thứ 8(21/9/1643), Hoàng Thái Cực cả đời chinh chiến mất do bệnh. Do lúc sinh thời vị Hoàng đế này không chỉ định người kế vị, trong triều đã xảy ra tranh giành quyền lực. Cuối cùng, các phái đã thỏa hiệp, lập Phúc Lâm 8 tuổi lên ngôi.

Ngày 26/8 (tức ngày 8/10 dương lịch), Phúc Lâm đăng cơ, cải niên hiệu là Thuận Trị, Trang phi được tôn là "Thánh mẫu Hoàng Thái hậu". Nhưng Thuận Trị mất sớm, Hiếu Trang đích thân lựa chọn trong những đứa cháu, đưa Huyền Diệp chưa đầy 8 tuổi thừa kế Đế vị. Bản thân Hiếu Trang đã dạy dỗ, bảo vệ cả hai vị Hoàng đế từ thủa nhỏ. Bà lại được tôn lên làm Thái hoàng Thái hậu.

Chính trường lúc Khang Hi còn nhỏ, Hiếu Trang dùng ảnh hưởng của mình, để cân bằng các mối quan hệ. Đặc biệt, bà đã không còn lựa chọn Hoàng hậu trong bộ tộc của mình, đích thân chọn cháu gái ruột của đại thần Sách Ni, để kiềm chế Ngao Bái. Ngày 25/12 năm Khang Hi thứ 26 (27/1/1688), Hiếu Trang mất, hưởng thọ 75 tuổi.

(lược dịch từ cuốn Bí mật Thanh cung của Nhà Xuất bản Thanh niên Trung Quốc in lần thứ 2 năm 2007)

Chử Cường