Dữ liệu y khoa

“Sơ cứu tâm lý” cho bệnh nhân Covid-19 tại nhà

  • Tác giả : Khánh Phương (ghi)
Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà không chỉ đối mặt với tổn thương về thể chất mà còn chịu áp lực tâm lý rất lớn.

TS Tâm lý học Nguyễn Văn Tường, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người nhiễm Covid-19. Bao gồm những yếu tố chủ quan như cách suy nghĩ, niềm tin, sự kỳ vọng, sức khỏe thể chất... còn có những yếu tố khách quan như sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đội ngũ y tế...

quan-ly-f0-tai-nha.jpg
Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà không chỉ đối mặt với tổn thương về thể chất mà còn chịu áp lực tâm lý rất lớn.

Ngoài ra, những thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình sức khỏe của mọi người xung quanh cũng ít nhiều ảnh hưởng đến diễn biến tâm lý của họ.

Không phải ai nhiễm Covid-19 cũng cần nhận sự trợ giúp về tâm lý chuyên nghiệp. Hầu hết mọi người đều dựa vào nội lực của chính họ để vượt qua. Dù có sự hỗ trợ từ các nhà chuyên môn, bản thân người bệnh vẫn là yếu tố quyết định họ sẽ đối diện và vượt qua những áp lực, lo lắng đó.

Trong trường hợp cảm thấy sự lo lắng, căng thẳng, bất an leo thang, người bệnh có thể liên hệ với đội ngũ tham vấn viên thông qua các kênh chính thống để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Việc hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân Covid-19 là hoàn toàn cần thiết, đặc biệt là đối với những bệnh nhân nặng, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân có nhiều bệnh nền…

Nếu được “sơ cứu tâm lý” kịp thời trong tình huống khủng hoảng, hoặc nhận được sự hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp, theo một tiến trình cụ thể, bệnh nhân Covid-19 sẽ có nhiều cơ hội cân bằng tâm lý, đánh giá vấn đề khách quan hơn.

Từ đó, bệnh nhân tập trung vào giải quyết vấn đề thay vì chỉ chú tâm vào các triệu chứng và những viễn cảnh đau thương chưa xảy ra. Khi tinh thần tốt hơn, họ sẽ có cơ hội thúc đẩy sự hồi phục về sức khỏe thể chất tốt hơn.

Trong đó, dự án “văcxin tinh thần” có nhiều cấp độ hỗ trợ cho bệnh nhân Covid-19, người bệnh có thể gọi tới tổng đài 1022 nhấn phím 6 để được tham vấn viên hỗ trợ ban đầu và gợi ý một số hướng hỗ trợ chuyên sâu.

Nếu sốt cần uống thuốc hạ sốt, lo lắng và sợ hãi cũng cần được trợ giúp từ các nhà chuyên môn. Từ đó, người bệnh cần chủ động tìm kiếm sự trợ giúp từ các kênh thông tin chính thống, hoặc chủ động chia sẻ khó khăn của mình với bạn bè, người thân, đồng nghiệp để mọi người hỗ trợ.

Khánh Phương (ghi)