NHÌN THẲNG

Sẽ xử phạt nặng những thực phẩm chức năng thuộc “danh sách đen” vi phạm

Qua công tác thanh kiểm tra và hậu kiểm, cơ quan chức năng đã phát hiện vẫn còn nhiều cơ sở, nhiều cá nhân vì lợi nhuận mà cố tình gian dối trong sản xuất, tuồn ra thị trường những sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người…

Ông Nguyễn Thanh Phong. Ảnh: PV

PV: Xin ông cho biết thực trạng kinh doanh, quảng cáo TPCN/TPBVSK hiện nay như thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong: Về nguyên tắc, đối với TPCN/TPBVSK trước khi lưu thông ra thị trường đều phải được thẩm định về mặt an toàn, công dụng sản phẩm.

Tuy nhiên, gần đây, bên cạnh các hình thức vi phạm như bán hàng/quảng cáo khi chưa được cấp phép truyền thống đã xuất hiện tình trạng quảng cáo, bán hàng online nhiều mặt hàng liên quan đến sức khỏe nhưng không công bố, không đăng ý với các cơ quan quản lý nhà nước. Đó là quảng cáo/lưu hành sản phẩm bất hợp pháp. Nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng cả một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo. Nhiều người tham gia vào quảng cáo này cũng không hiểu biết hết các quy định của pháp luật nên vô hình trung thành tiếp tay cho sai phạm.

Qua thanh kiểm tra và hậu kiểm, chúng tôi phát hiện nhiều nội dung quảng cáo hoàn toàn sai sự thật, thậm chí có nơi còn tổ chức tư vấn qua điện thoại, đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm làm đẹp, giảm cân.

Có sản phẩm quảng cáo bên trên ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dược sĩ, bác sĩ đó không có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ sinh viên mới ra trường, chưa nhận tốt nghiệp đại học đóng giả làm bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Nhiều doanh nghiệp (DN) khi cơ quan quản lý mời lên làm việc còn không thừa nhận sản phẩm của mình quảng cáo trên các trang web đó. Có DN công bố thực phẩm dạng bột nhưng lại sản xuất dạng viên hoặc ghi công dụng hoàn toàn khác với công bố…

PV: Vậy cơ quan quản lý đã có những giải pháp gì trước thực trạng này thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong: Thực hiện Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chống hàng giả với thuốc, dược liệu, TPCP, Cục An toàn thực phẩm đã thành lập 5 đoàn thanh tra kiểm tra.

Đồng thời, Cục cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương, Ban quản lý ATTP các tỉnh, thành triển khai thanh kiểm tra trên địa bàn, tập trung vào các nội dung như: Bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm, quảng cáo sản phẩm… Cục ATTP đã cũng phối hợp với Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình, Bộ TT&TT, công khai thông tin các sản phẩm vi phạm cũng như xử lý các trang web quảng cáo sản phẩm sai phạm để người tiêu dùng biết và thận trọng khi mua các sản phẩm trên trang các web đó.

PV: Nhưng qua theo dõi trên thực tế, chúng tôi thấy Cục ATTP vẫn liên tục xử phạt các DN sai phạm về công bố/ quảng cáo/ghi nhãn… TPCN/TPBVSK. Phải chăng các đơn vị cố tình sai phạm hay vì chế tài chưa đủ mạnh, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong: Từ quá trình thanh tra, kiểm tra cũng như thông tin báo chí phản ánh, Cục ATTP đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm như vậy đã ngăn chặn nhiều sản phẩm vi phạm tồn tại trên thị trường, song thực trạng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Vẫn còn nhiều cơ sở, nhiều cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý, coi rẻ sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, cố tình gian dối trong sản xuất, tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người. Có tình trạng nhiều sản phẩm đã bị rút giấy phép đăng ký nhưng DN vẫn lén lút sản xuất, khi phát hiện chúng tôi đã đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp thu hồi toàn bộ sản phẩm và xử phạt với khung cao nhất.

Với những DN không nhận sản phẩm trên trang web quảng cáo vi phạm thì ngoài đưa thông tin cảnh báo công khai tới người tiêu dùng, Cục ATTP chuyển sang Bộ TT&TT đã xử lý được một số trường hợp, tuy nhiên, có một số trường hợp máy chủ đặt tại nước ngoài nên cũng rất khó.

Tuy nhiên, các sản phẩm vi phạm cũng sẽ được đưa vào “danh sách đen”. Với những sản phẩm đã bị đưa vào “danh sách đen” thì sẽ bị lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng, sẽ bị thanh tra, kiểm tra với tần suất nhiều hơn và khi phát hiện vi phạm sẽ xử phạt nặng hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện) – Theo Suckhoedoisong.vn