KINH TẾ

Sẽ xử lý nếu nhà đầu tư không đủ vốn làm cao tốc Bắc Nam phía Đông

  • Tác giả : Hoàng Hà
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ xử lý vi phạm hợp đồng trong trường hợp nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án không huy động đủ và đúng hạn để thực hiện dự án.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn gửi Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư đường cao tốc Nha Trang-Cam Lâm (doanh nghiệp dự án) về việc huy động nguồn vốn thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đoạn Nha Trang-Cam Lâm theo phương thức PPP (hợp tác công tư).

Theo đó, Bộ yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án khẩn trương đàm phán hợp đồng tín dụng với các tổ chức ngân hàng hoặc có phương án huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án theo đúng quy định hợp đồng.

Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, sẽ xử lý vi phạm hợp đồng trong trường hợp nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án không huy động đủ và đúng hạn nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án.

Đây là lần thứ 3 trong vòng một tháng trở lại đây, Bộ Giao thông Vận tải có công văn thúc tiến độ ký hợp đồng tín dụng dự án này.

Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông gặp khó về vốn

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 dài 654 km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm: Tám dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 12.401 tỷ đồng.

Công tác giải phóng mặt bằng bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2019. Tính đến tháng 9/2021, chính quyền các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 642,4/652,3 km (đạt 98,4%).

Đến nay, cả 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công đều đã khởi công xây dựng, gồm: Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-QL45, QL45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2. Sản lượng thi công của 8 dự án là hơn 8.933 tỷ đồng, đạt khoảng 25,1% tổng giá trị hợp đồng.

Đối với 3 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP, gồm: Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo, đến tháng 7/2021, cả 3 dự án đã được Bộ GTVT hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đang đàm phán với các ngân hàng đã cam kết cho vay vốn để thu xếp tài chính, tuy nhiên, việc huy động vốn vay gặp khó khăn khi ngân hàng đề nghị được áp dụng điều khoản chia sẻ doanh thu theo quy định tại điều 82 của Luật PPP.

Do đó, bên cạnh việc tích cực đàm phán với ngân hàng, các nhà đầu tư đang nỗ lực huy động các nguồn vốn hợp pháp khác như: Tăng vốn chủ sở hữu, phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Hoàng Hà