Doanh nghiệp

Sẽ có những cuộc M&A công ty ngành nước nửa cuối 2023?

  • Tác giả : Minh An
Trong 5 năm qua, BWE và TDM đã chi lần lượt khoảng 1.000 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng cho các giao dịch M&A.
Theo nhận định của Chứng khoán VietCap (VCSC), sẽ có M&A thêm các công ty ngành nước trong nửa cuối 2023.
VCSC nhận định, sản lượng tăng trưởng ngành nước yếu trong ngắn hạn, nhưng triển vọng tăng trưởng dài hạn vẫn duy trì. Do đó, VCSC hạ dự báo tăng trưởng sản lượng năm 2023 cho Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (BWE) và CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM) xuống lần lượt là 5% và 8%, sau KQKD quý 1/2023 thấp hơn dự kiến và việc điều chỉnh giảm trong dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ 6,5% xuống 6,0%.
Tuy nhiên, VCSC duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng trong dài hạn. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã đặt mục tiêu GRDP đạt khoảng 10%/năm giai đoạn 2021-2030, đặt mục tiêu phê duyệt quy hoạch tổng thể khu công nghiệp và đặt mục tiêu hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm như đường Vành đai 3.
Do đó, VCSC dự báo tăng trưởng sản lượng của BWE sẽ phục hồi lên 15%/18% trong năm 2024/2025, tương đương mức trước Covid-19. VCSC cũng tự tin với dự báo tăng trưởng sản lượng của TDM là 15%/18% trong năm 2024/2025, so với mức 20%-30% trước dịch Covid.
VCSC dự báo tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư của BWE vào các công ty nước sẽ cải thiện từ 5% trong năm 2023 lên 14% trong năm 2030.
Se co nhung cuoc M&A cong ty nganh nuoc trong nua cuoi 2023?

BWE đã bước đầu tiên mua lại DNP Long An Water
Vào tháng 3/2023, BWE đã mua lại 25,4% cổ phần (8,8 triệu cổ phiếu) của CTCP Đầu tư Hạ tầng Nước DNP Long An (DNP Long An Water). BWE đã đầu tư 136 tỷ đồng vào DNP Long An Water, tương ứng BWE mua DNP Long An Water tại P/E 18 lần mà ban lãnh đạo cho rằng mức định giá này là hợp lý dựa trên tiềm năng tăng trưởng cao của công ty này.
Ngoài ra, BWE đã đảm bảo quyền mua lên đến 15,8 triệu cổ phiếu (khoảng 50% cổ phần - 277 tỷ đồng) với bên bán là CTCP Đầu tư Ngành nước DNP. DNP Long An Water sở hữu nhà máy xử lý nước Nhị Thành (công suất 60.000 m3/ngày) và có quỹ đất đảm bảo để tăng gấp đôi công suất lên 120.000 m3/ngày (tương đương khoảng 15% công suất của BWE).
Nếu BWE trở thành cổ đông kiểm soát tại DNP Long An Water, điều này tương ứng tiềm năng tăng đối với định giá, dự báo doanh thu và LNST của VCSC.
BWE và TDM duy trì chiến lược thâu tóm thêm nhiều công ty nước
Trong 5 năm qua, BWE và TDM đã chi lần lượt khoảng 1.000 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng cho các giao dịch M&A.
Các chiến lược của BWE và TDM tại các công ty mà BWE và TDM đóng vai trò là cổ đông thiểu số bao gồm: 1) làm việc với ban lãnh đạo để giảm tỷ lệ thất thoát nước bằng cách áp dụng công nghệ mới (Tối ưu hóa hệ thống & phân phối nước GLS, phần mềm phân loại vùng tiêu thụ) và đầu tư nâng cấp đường ống dẫn nước/đồng hồ nước; 2) đào tạo nhân viên để xác định rò rỉ nước từ đường ống dẫn nước ngầm; 3) thuyết phục chính quyền cấp tỉnh để tăng giá nước; và 4) tăng cổ phần nếu có cơ hội.
Đối với các công ty mà BWE và TDM là cổ đông kiểm soát như CTCP Cấp Nước Gia Tân (GIWACO), dự án Xa lộ nước Long Thành và DNP Long An Water trong tương lai, BWE và TDM sẽ nhanh chóng tăng gấp đôi công suất. BWE và TDM sử dụng vốn chủ sở hữu và nợ với lãi suất thấp (khoảng 7%) để tài trợ cho các giao dịch M&A.
Ngoài ra, BWE và TDM đang mở rộng đội ngũ lãnh đạo để tích cực giám sát các chiến lược và hoạt động hằng ngày của các công ty đã thâu tóm. VCSC cho rằng đây là những chiến lược đúng đắn cho các công ty đã thâu tóm do các công ty này sở hữu giấy phép kinh doanh nước 50 năm.
Minh An