Doanh nghiệp

Sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế, kinh tế tuần hoàn và bài toán về môi trường

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Năm 2018, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi của ngành sản xuất giấy được vinh danh Doanh nghiệp phát triển bền vững (PTBV) nhờ những đóng góp về phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Ông Patrick Chung, Tổng Giám Đốc Công ty đã có cuộc chia sẻ với KH&ĐS về kinh tế tuần hoàn và bài toán về môi trường dưới góc độ một doanh nghiệp sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế.
  • Ông có cho rằng, PTBV chỉ là một “khẩu hiệu” chung chung mà nhiều doanh nghiệp “làm cho có”?

Đúng là thực tế còn tồn tại tình trạng này. Đúng hơn là sự chú ý của các doanh nghiệp dành cho vấn đề PTBV chưa nhiều hoặc chưa toàn diện dẫn đến tình trạng trên.

Khi PTBV, doanh nghiệp phải đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực vào các mục tiêu phi tài chính liên quan đến môi trường và xã hội. Điều này hiển nhiên phần nào có thể làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu không chấp nhận “đánh đổi”, doanh nghiệp khó lòng theo đuổi mục tiêu PTBV đúng nghĩa.

  • Sản xuất giấy được cho là một trong những ngành công nghiệp gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trong khi đó, PTBV đồng nghĩa với bảo vệ môi trường. Lee & Man giải quyết bài toán đó như thế?

Nếu chúng ta đòi hỏi hoạt động sản xuất kinh doanh hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường thì chắc chắn không có bất kỳ hoạt động kinh tế nào xảy ra. Do đó, vấn đề quan trọng ở đây là doanh nghiệp phải xử lý ô nhiễm như thế nào. Ở Lee & Man, chúng tôi tự điều chỉnh, xem xét và cẩn trọng trong các khâu, từ sản xuất đến xử lý chất thải... Cho đến nay, hệ thống này gần như hoàn thiện. Thậm chí, có những chỉ tiêu trong xử lý thải, chúng tôi đã có những chỉ số vượt xa yêu cầu. Bảo vệ môi trường là vấn đề Lee & Man đặc biệt chú trọng trong mục tiêu PTBV.

  • Xã hội cần bằng chứng cụ thể chứ không chỉ là “khẩu hiệu” thưa ông?

Mỗi năm, Lee & Man chi hơn hàng triệu đô la Mỹ cho công tác xử lý chất thải, bao gồm nước thải sản xuất, chất thải rắn, khí sinh học, sinh khối… Cụ thể, trong năm nay, công ty tiếp tục nhập một đợt máy mới trị giá khoảng 20 tỷ đồng để tăng cường quá trình cô đặc bùn. Chúng tôi cũng đầu tư công nghệ xử lý nước thải, khí thải tiên tiến với hệ thống quan trắc hoạt động 24/24. Các số liệu liên tục được cập nhật (trung bình 5 phút 1 lần) và được truyền trực tiếp về Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang để quản lý nên chất lượng nước thải, khí thải luôn được kiểm soát trước khi đưa ra ngoài môi trường. Nước thải, khí thải của Công ty luôn đảm bảo trong quy định theo cột A tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

  • Lee & Man ưu tiên sản xuất giấy từ nguyên liệu giấy tái chế. Điều này có đóng góp gì cho sự PTBV của doanh nghiệp?

Tại Lee & Man, mức độ sử dụng nguyên liệu đã qua sử dụng (ở đây là giấy tái chế) là hơn 95%. Chúng tôi luôn cố gắng tái sử dụng những nguyên liệu có thể tái sản xuất để giảm thiểu áp lực cho môi trường, đồng thời tiết kiệm chi phí. Đây cũng là xu hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn đang rất được chú trọng hiện nay.

Trung bình, giấy có thể được tái chế đến 6 lần trước khi bị vứt bỏ. Do đó, không tận dụng “nguồn tài nguyên” này là một sự lãng phí cũng như tăng gánh nặng ô nhiễm cho môi trường.

  • Vậy còn chất thải rắn từ quá trình sản xuất công ty xử lý ra sao?

Chất thải rắn (tạp chất như kim loại, nhựa) được xử lý trong quá trình tái chế giấy sẽ được tái cung ứng cho các ngành sản xuất khác. Ví dụ, các chất thải không tái sử dụng được sẽ được xử lý đốt tại nhà máy, phần tro bụi sẽ được Công ty Xi măng INSEE thu mua để sản xuất xi măng hoặc các công ty khác sử dụng để sản xuất gạch không nung. Tóm lại, từ đầu vào đến đầu ra, dù là “phế thải”, chúng tôi đều cố gắng tái tận dụng tối đa.

  • Xin cảm ơn ông!
Tuyết Vân