Khoa học & Công nghệ

Sản phẩm tự làm chưa hẳn an toàn

Lo sợ mất vệ sinh thực phẩm, hiện nhiều người bắt tay tự làm bánh, sữa chua, tương ớt… Tuy nhiên, sản phẩm tự làm chưa hẳn an toàn. Nhiều trường hợp sản phẩm “home made” có hiện tượng để 2 – 3 ngày đã hỏng, ăn vào bị đau bụng, nôn.

Sản phẩm tự làm chưa hẳn an toàn.

Tự làm nhưng chưa an toàn

Ngày nay, muốn làm các loại bánh, hay làm sữa chua, tương ớt… không hề khó. Nguyên liệu thì vô cùng dồi dào, các công thức làm cũng được “phổ cập” miễn phí trên internet, thậm chí còn có cả  video clip hướng dẫn cách làm.

Chia sẻ về vấn đề này, đầu bếp Trần Văn Đông, Nhà hàng Vinh Việt, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, trước nguy cơ mất an toàn thực phẩm, việc tạo ra các sản phẩm sạch là tốt. Tuy nhiên, việc tự tay tạo ra sản phẩm mà mọi người tưởng rằng “sạch” thực tế lại không sạch như chúng ta nghĩ.

Để đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn đòi hỏi phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc tiệt trùng dụng cụ, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước khi làm, đeo bao tay; đặc biệt khâu nguyên liệu cũng phải đảm bảo là nguyên liệu sạch…

Tuy nhiên, trong điều kiện tại gia thì nhiều người lại không chú ý hoặc không có điều kiện thực hiệp đúng các quy định này, đấy là chưa kể nguyên liệu thường là chúng ta không tự làm được mà đi mua sẵn và không ai biết chắc nguyên liệu chúng ta mua về có đảm bảo không.

Ví dụ, để làm tương ớt, chúng ta cần nguyên liệu chính là ớt và cà chua, nhưng khi mua về chúng ta không kiểm soát được ớt và cà chua có phải là sạch không. Đây là lý do vì sao tương ớt mới làm 2 – 3 ngày đã có mùi chua, sủi bọt; bánh làm được 3 ngày đã thấy có mùi, sữa chua sau 2 ngày đã bị lỏng, có mùi… ăn vào bị đau bụng, nôn. Nguyên nhân là do chúng ta thực hiện khâu vệ sinh không tốt, chứ không phải là do chúng ta không cho chất bảo quản như nhiều người nghĩ.

“Dù để trong ngăn mát thì các sản phẩm tự làm cũng nên ăn ngay trong vài ngày (3 – 7 ngày) chứ không thể để cả tháng như nhiều người tưởng. Lý do là bởi dù chúng ta làm cẩn thận và sạch sẽ đến mấy nhưng trong điều kiện gia đình không thể tránh hoàn toàn khỏi tạp khuẩn. Vì thế, để lâu khiến tạp khuẩn phát triển sẽ làm hỏng sản phẩm tự làm”- đầu bếp Trần Văn Đông.

Sản phẩm tự làm, muốn an toàn phải đúng chuẩn

Theo đầu bếp Trần Văn Đông, khâu tiệt trùng là vô cùng quan trọng. Ví dụ, với sữa chua, tương ớt, cần sử dụng cốc/lọ thủy tinh, rửa sạch, tráng nước sôi và để ráo.

Tương tự với làm bánh cũng vậy, theo chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Ánh, Tiệm bánh Trúc Nhật, quận Cầu Giấy, Hà Nội, từ việc chế biến nguyên liệu (nhào bột, làm nhân) cho đến dụng cụ làm bánh, nướng bánh, ngay cả việc lấy bánh ra lò đều phải đảm bảo sạch. Khi nhào bột, bạn cần đeo bao tay, các dụng cụ làm cần được vệ sinh sạch sẽ. Khi bánh đã nguội, nên bọc từng chiếc vào giấy trắng, sau đó mới bao lại trong túi nilon.

Ngoài việc chú ý tiệt trùng, các chuyên gia khuyên người dân cần phải chú ý đến khâu bảo quản. Thông thường, khi tự làm, mọi người thường làm nhiều cho “bõ”. Để bảo quản lâu dài, người dân cho vào vào túi hút chân không hoặc vào ngăn đá.

Tuy nhiên, thực tế việc để bánh vào túi hút chân không là sai lầm. Hút chân không chỉ có tác dụng với thực phẩm khô (thực phẩm sẽ không biến đổi), trong khi đó các loại bánh vẫn phát ẩm nên dù có hút hết chân không thì chính cái bánh lại tự tạo ra độ ẩm cho môi trường đó, khiến vi khuẩn và nấm mốc vẫn có thể hoạt động bình thường.

Tương tự, việc cho bánh, sữa chua, tương ớt… vào ngăn đá cũng rất sai lầm. Ngăn đá là nơi dùng để bảo quản đông lạnh các thực phẩm sống. Việc để lẫn thực phẩm chín với thực phẩm sốnggây nguy cơ nhiễm khuẩn.

Để đảm bảo an toàn, với sản phẩm này sau khi làm xong, bao gói cẩn thận (bánh bọc từng chiếc vào giấy trắng, rồi bao lại trong túi nilon kín; tương ớt cho vào chai thủy tinh đậy kín) sau đó để vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản; nhất là với tương ớt, nhiều người không cho vào tủ lạnh mà bảo quản ở nhiệt độ thường khiến cho tương ớt “home made” rất nhanh bị hỏng.

Đức Anh