4 loại rắn độc nguy hiểm nhất
Bệnh nhân Lê Việt H. (32 tuổi, Phú Thọ) vào viện tối 14/5 vì bị rắn lục cắn. Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân có garo vết thương nhưng vẫn đau nhiều nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương rồi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Trường hợp thứ hai bị rắn hổ mang cắn là anh Nguyễn Văn Đ. (41 tuổi, ở Khoái Châu, Hưng Yên). Trong khi dọn đống gạch cũ lâu ngày, anh đã bị một con rắn hổ mang cắn vào ngón bàn tay phải...
Bệnh nhân bị rắn độc cắn đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tại Trung tâm Chống độc, rắn cắn là một trong những ngộ độc hàng đầu, đặc biệt xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 - là mùa sinh sôi, phát triển của rắn. Một tuần trở lại đây, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện. Hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho 8 ca bị rắn độc cắn.
TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, mùa hè thường xuất hiện nhiều loại rắn độc nhưng trong đó có 4 loại thường hay gặp và gây nguy hiểm nhất là rắn cạp nia, rắn hổ mang bành, rắn hổ chúa và rắn lục. Rắn cạp nia hay đi ăn đêm và hay mò vào nhà, khi bị loại này cắn có thể tê liệt toàn thân. Những triệu chứng sớm nhất khi bị rắn cạp nia cắn là khó thở, tức ngực, khó nuốt, co thắt cổ họng cho đến lúc liệt toàn thân. Nếu không được đưa đến bệnh viện để thở máy sớm thì nạn nhân sẽ chết vì suy hô hấp.
Rắn hổ mang bành (còn gọi là hổ mang thường, hổ phì, hổ chì hay hổ đất...) khi cắn thường gây phù nề và hoại tử cơ rất lớn. Người bị rắn hổ mang bành cắn chân tay bị sưng vù, có kèm theo liệt cơ và có thể dẫn đến tử vong, nhẹ thì dẫn đến tàn tật nếu không được cấp cứu kịp thời.
Riêng với loại rắn hổ chúa, nọc độc chạy vào cơ thể rất nhanh, khiến cho bệnh nhân bị phù nề cấp, liệt cơ và có thể chết vì suy hô hấp, suy thận trong thời gian rất sớm.
Còn với loại rắn lục (có màu xanh như lá cây, là loại rắn hay gặp ở vùng đồng bằng, trung du, đồi núi) khi cắn sẽ gây rối loạn đông máu và chảy máu hoặc gây rối loạn nhịp tim, bệnh nhân dễ tử vong.
Sai lầm lớn nhất
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, hiện Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau nên tùy theo loại rắn độc mà chúng ta có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau. Hiện sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân khi bị rắn cắn là cứ loay hoay ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế. Nhiều trường hợp hôn mê, liệt người, suy gan thận, chân tay hoại tử... phải cắt bỏ chi, thở máy, lọc thận... dù cứu được bệnh nhân vẫn để lại di chứng.
TS Phạm Duệ khuyên, khi bị rắn độc cắn, cách tốt nhất là xử lý tại chỗ bằng băng ép rồi nhanh chóng chuyển tới bệnh viện. Tại đây, nếu không biết loại rắn nào cắn, bằng kinh nghiệm căn cứ vào vết cắn và triệu chứng của bệnh nhân các bác sĩ sẽ biết được loại rắn nào và cho tiêm huyết thanh kháng độc rắn kịp thời. Trường hợp đến viện sớm được tiêm huyết thanh thì sau 2 – 3 ngày là khỏi.
Cách sơ cứu: “(1) Động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng; (2) Không để bệnh nhân tự đi lại; (3) Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn); (4) Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường; (5) Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động; (6) Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..)” – TS Nguyễn Trung Nguyên