Rụng tóc báo hiệu điều gì về sức khỏe?. Ảnh minh họa |
Nguyên nhân nào gây rụng tóc?
Thông thường vòng đời của tóc bao gồm các giai đoạn: tăng trưởng, phát triển và rụng. Mỗi người có thể rụng từ 50 - 100 sợi/ngày. Nếu lượng tóc rụng quá 100 sợi mỗi ngày liên tục trong một thời gian dài thì được gọi là bệnh rụng tóc.
Có thể chia tình trạng tóc rụng thành 2 dạng. Đó là tóc rụng sinh lý và tóc rụng do bệnh lý.
Đối với tóc rụng sinh lý. Tất cả mọi người đều gặp phải tình trạng rụng tóc, tuy nhiên với số lượng không nhiều, có thể dao động trong khoảng 50 đến dưới 100 sợi. Khi tóc già yếu thì sẽ phải rụng đi để thay chỗ cho sợi tóc mới phát triển. Tình trạng này là hoàn toàn bình thường và sẽ không gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như sức khỏe của chúng ta.
Tóc rụng do bệnh lý là hiện tượng, tóc của chúng ta rụng bất thường, rụng quá nhiều, mỗi ngày có thể rụng đến hơn 100 sợi tóc mà không rõ nguyên nhân. Khi tóc rụng, mái tóc của chúng ta trở nên thưa mỏng trong một thời gian ngắn, một số trường hợp rụng nhiều quá dẫn đến hói đầu.
Quá trình lão hóa
Khi chúng ta già đi, cơ thể sẽ thay đổi nhiều, hệ thống xương khớp không được dẻo dai, các cơ quan không còn hoạt động tốt như khi còn trẻ, hệ miễn dịch kém,… và tóc cũng yếu đi, đổi màu và dễ bị gãy rụng. Vì thế người già thường có tóc bạc và tóc mỏng hơn khi còn trẻ. Tuy nhiên, tình trạng này là do quy trình lão hóa của tự nhiên gây ra nên rất khó để khắc phục hoàn toàn.
Cơ thể bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết
Khi cơ thể không được cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết, tóc cũng sẽ giống như các cơ quan khác không được hấp thu chất dinh dưỡng và lâu ngày sẽ suy yếu dần và cuối cùng là dẫn đến rụng tóc.
Mất ngủ quá nhiều
Mất ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, bên cạnh đó đây cũng là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc. Một giấc ngủ đầy đủ chính là cơ hội để cơ thể được nghỉ ngơi, đào thải độc tố, hồi phục những tổn thương và tái tạo năng lượng.
Khi tình trạng mất ngủ kéo dài, những nang tóc bị tổn thương sẽ không được phục hồi và dẫn đến tóc hư yếu và rụng nhiều, kèm theo đó là da khô, tâm trạng thất thường và khó tập trung,…
Thiếu máu
Tình trạng thiếu máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn. Ngoài ra, khi cơ thể bị thiếu máu, tóc sẽ không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và dẫn đến suy yếu, gãy rụng.
Căng thẳng
Căng thẳng cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến rụng nhiều tóc. Sự căng thẳng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch và gây ra những phản ứng rối loạn khác trong cơ thể. Nó cũng có thể rút ngắn chu kỳ phát triển của tóc và dẫn đến rụng tóc.
Buồng trứng đa nang
Đây là căn bệnh của phụ nữ có liên quan đến rối loạn nội tiết tố. Một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh là rụng tóc, kinh nguyệt thất thường,…
Một số bệnh lý da đầu
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên thì một trong những nguyên nhân gây rụng tóc hay gặp khác đó là tình trạng bệnh lý da đầu như bệnh nấm tóc hay nấm da đầu,...
Bí quyết chăm sóc, giảm rụng tóc
Ngủ đúng giờ, tránh thức khuya: Thức khuya lâu dài làm rối loạn nội tiết tố, gia tăng sự hình thành hormone Dihydrotestosterone (DHT). Sự gia tăng DHT là nguyên nhân trực tiếp của các tình trạng tóc gãy rụng.
Không nên quá lo lắng, căng thẳng: Các hormone tiết ra khi cơ thể bị stress có thể ức chế quá trình phát triển của tóc. Vì vậy, các bạn hãy cố gắng giảm thiểu stress bằng cách tập thể dục, yoga, thiền và duy trì chế độ sinh hoạt điều độ và khoa học.
Dùng dầu gội chống rụng tóc: Hiện nay có nhiều loại dầu gội của các hãng uy tín, được nghiên cứu khoa học kỹ lượng có thể giúp giảm rụng tóc thông qua việc bổ sung các thành phần nuôi dưỡng chân tóc. Khi gội, nên mát xa nhẹ nhàng, không gãi mạnh khiến chân tóc bị tổn thương.
Massage da đầu: Massage da đầu không chỉ giúp bạn cảm thấy thư giãn mà còn kích thích mọc tóc nhanh. Theo nghiên cứu, hiệu quả của phương pháp được thể hiện rõ rệt sau 24 tuần liên tục bạn dành 4 phút massage mỗi ngày.
Ăn uống đủ chất: Các chất dinh dưỡng khi đưa vào cơ thể qua đường ăn uống sẽ chuyển hóa qua tế bào, đưa đến tế bào sừng và nuôi nang tóc. Một người đủ dinh dưỡng, không chỉ tóc mà da cơ thể luôn khỏe mạnh, mượt mà.
Đặc biệt, nên bổ sung các loại rau quả, sinh tố có chứa các nhóm vitamin B như vitamin B1, B2, B5, B8… Đây là các vitamin có tác dụng củng cố nuôi dưỡng tế bào sừng.
Hạn chế hút thuốc lá và uống rượu bia.
Hạn chế tiếp xúc nhiệt và hóa chất: Thường xuyên thay đổi kiểu tóc, uốn, nhuộm tóc quá nhiều thì dưới tác động nhiệt, hóa chất sẽ làm cho nang tóc yếu đi, tóc dễ bị rụng. Nên cho tóc có thời gian dưỡng, phục hồi tóc giữa những đợt làm tóc, càng hạn chế tác động lên tóc thì tóc sẽ chắc khỏe hơn.
Tóc rụng do các loại bệnh lý như bệnh về tuyến giáp, bệnh thiếu máu, bệnh đa nang buồng trứng thì cần phải điều trị bệnh lý trước.