Khoa học & Công nghệ

Rủi ro chực chờ từ bánh trung thu đại hạ giá

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Sau Tết Trung thu, những sạp hàng bán bánh trung thu đại hạ giá, đồng giá 10.000đ - 25.000đ/chiếc nhan nhản khắp các con phố. Theo các chuyên gia, người dùng sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ loại bánh này.

Xả hàng bánh trung thu

Dù Tết Trung thu đã qua được hơn chục ngày, nhưng những cửa hàng bán bánh trung thu ven đường vẫn nhộn nhịp như khi chưa đến ngày lễ. Hàng loạt bánh trung thu, từ loại có thương hiệu đến loại gia công, được bán xả hàng với giá chỉ bằng 1/3, thậm chí giá chỉ còn 1/5 so với giá bán ban đầu. Theo đó, nhiều cửa hàng trưng biển bán bánh trung thu đồng giá 15k, có cửa hàng thì bán với giá 25k cho tất cả các loại bánh từ bánh nướng, dẻo đến các loại nhân khác nhau. Những chiếc bánh trung thu giá rẻ này có đi cùng với chất lượng?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng bánh trung thu có thương hiệu, được cho phép sản xuất về cơ bản là an toàn. Chỉ đáng bàn là các loại bánh đại hạ giá này có hạn sử dụng thế nào, được bảo quản trong điều kiện ra sao, đã hỏng chưa...dù hạn sử dụng vẫn còn. Ngoài ra, có những loại bánh giá rất rẻ nhưng lại không có tem nhãn, nhà sản xuất sẽ đem đến nguy cơ cao cho người sử dụng nếu ăn phải bánh sử dụng chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm.

Một số chất tạo màu có thể gây nguy hiểm sức khỏe là: Brilliant blue (dùng trong chế biến sữa, thạch, xiro, đồ uống, kẹo) có nguy cơ gây dị ứng, erythrosine (sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ) gây ung thư tuyến giáp, allura red (sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn) có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi ở người, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em…

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo người tiêu dùng không nên ham rẻ, tránh mang bệnh tật vào người. Hiện nay thị trường bánh trung thu nói chung khá loạn về chất lượng nên cần hết sức cẩn trọng khi mua về sử dụng, nhất là với những loại bánh làm từ nguyên liệu giá rẻ, không rõ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng… Đặc biệt lưu ý loại bánh trung thu được xả hàng về việc quan sát xem chúng có dấu hiệu mốc, hỏng không.

Lo ngại nấm mốc do bảo quản

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, bánh trung thu có đặc điểm dễ bị ẩm, nấm mốc nên việc sử dụng chất bảo quản khá phổ biến nhất là ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và gia công. Bánh trung thu cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn, mát thì mới không hỏng khi hạn sử dụng chưa hết. Trong khi đa phần các điểm bán xả hàng đại hạ giá, bánh được phơi dưới nắng, khói bụi của xe cộ qua lại cả ngày. Liên tục trong nhiều ngày như thế, bánh không thể đảm bảo an toàn theo hạn sử dụng ghi trên bao bì. Nấm mốc chắc chắn sẽ phát triển trong điều kiện này.

Trong hai loại bánh dẻo và bánh nướng thì nguy cơ bánh dẻo bị lên men, nấm mốc cao hơn hẳn so với bánh nướng. Vì bánh dẻo thì được làm theo kiểu nhồi ruột vào vỏ chín (đậu xanh tạo men nhanh nên dễ bị lên men, nấm mốc hơn) và đóng khuôn thành phẩm. Còn bánh nướng thì đảm bảo hơn do được qua quá trình xử lý nhiệt. Vì thế, khi chọn bánh, người dân cần phải để ý xem hạn sử dụng của bánh, ngoài ra phải quan sát kỹ trên vỏ bánh có xuất hiện những vết lấm tấm bất thường hay không.

Để tránh bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe, người dân cần tuyệt đối không mua những bánh có dấu hiệu bị mốc, không sử dụng bánh đã hết hạn hoặc không ghi hạn sử dụng; mua các sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng và có đăng ký chất lượng.

Việc “tranh thủ” ăn bánh trung thu khi các cơ sở kinh doanh đại hạ giá không phải là xấu, nhưng  khi chọn bánh, kể cả bánh của công ty hay bánh được sản xuất thủ công (nhưng vẫn có đăng ký kinh doanh, công bố chất lượng, bánh cổ truyền của làng nghề), người dân cần xem kỹ hạn sử dụng, quan sát kỹ vỏ bánh để phát hiện nấm mốc. Nếu thấy có các đốm trắng, xanh… thì tuyệt đối không ăn. Đừng vì “tiếc của” mà rước bệnh vào thân vì nguy cơ ngộ độc của các loại bánh mốc là cực cao.

Bảo Khánh

Hà Bình