Khoa học & Công nghệ

Rau quả sạch nhạt hơn rau quả thông thường

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Rau quả sạch (rau quả thủy canh, trồng trong nhà màng…) không đậm đà như canh tác truyền thống là do giống và chăm sóc.

Nhạt hơn, an toàn hơn

Lo lắng về an toàn thực phẩm với các loại rau quả ngoài chợ, chị Lê Hoài Thu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chọn mua ở siêu thị và các cửa hàng thực phẩm sạch. Tuy nhiên khi mua các loại rau như xà lách, dưa chuột, rau mùi, cà chua… về ăn thì chị và các thành viên trong gia đình đều chung nhận xét là rau khá nhạt so với rau mua ngoài chợ hay rau tự trồng bằng canh tác truyền thống. Đặc biệt là dưa chuột và xà lách, ăn giòn hơn, non hơn, sạch hơn nhưng vị lại không đậm đà, thậm chí là rất nhạt. “Không biết có phải rau quả sạch thì phải nhạt không, và liệu có bổ dưỡng bằng rau quả sản xuất truyền thống?”, chị Thu thắc mắc.

Lý giải điều này, GS.TS Nguyễn Quang Thạch, nguyên Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp cho biết, chất lượng, hương vị của từng loại rau quả tùy thuộc vào giống cây và quy trình canh tác. Ví dụ như dưa chuột có rất nhiều giống. Có loại dưa ở Nhật Bản trông bên ngoài quả khá dài nhưng ăn rất giòn, ngon và đậm đà. Trong khi đó nhiều giống dưa thì dù canh tác bằng hình thức nào ăn cũng rất nhạt. Rau cũng vậy, có những giống mang nhiều ưu điểm như giòn, ngọt, nhiều nước và có những giống thì ngược lại. 

“Tuy nhiên không thể phủ nhận là loại rau quả được trồng bằng phương pháp thủy canh, trồng trong nhà màng, trồng bằng dung dịch nói chung… thường nhạt hơn so với canh tác truyền thống. Phương pháp trồng giới hạn vi sinh vật, trồng bằng giá thể, thủy canh… không có đầy đủ các chất dinh dưỡng giống như trồng trong đất ngoài tự nhiên nên khi ăn có thể cảm thấy chúng nhạt hơn một chút. Tuy nhiên đây lại là loại rau quả an toàn cho sức khỏe, không có chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản, không nhiễm kim loại  nặng hay bất cứ thành phần nào có hại cho cơ thể.”, GS.TS Nguyễn Quang Thạch phân tích.

Giải pháp công nghệ

GS.TS Nguyễn Quang Thạch cho biết, hiện nay công nghệ sản xuất rau quả thủy canh/trong nhà màng cũng đã khá phát triển. Người ta có thể bổ sung các loại dinh dưỡng ngoài lá để đảm bảo rau quả có đầy đủ dưỡng chất như phương pháp canh tác truyền thống. Và cũng nên hiểu rằng, việc ăn rau bị nhạt một phần là do đặc thù sinh trưởng của từng loại rau, có loại rau ưa nước, loại ưa đất. Ví dụ rau cần, rau muống thích hợp trồng trong nước nhưng rau cải lại phù hợp hơn khi trồng trong đất. Tuy nhiên, với sự phát triển đa dạng các loại dung dịch dinh dưỡng thủy canh như hiện nay thì khi sử dụng loại dung dịch chuyên dụng cho rau ăn lá, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây rau, rau trồng sẽ đậm vị, tươi ngon và giàu dinh dưỡng hơn, không còn lo tình trạng rau bị nhạt hay héo.

Khi trồng rau thủy canh, nguồn nước và dung dịch thủy canh là 2 yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và chất lượng của rau trồng. Thực tế, nếu muốn có nguồn rau sạch, lẽ tất nhiên, nguồn nước tưới tiêu cũng cần chọn nguồn nước sạch, không bị nhiễm tạp chất, kim loại. Bên cạnh đó, mỗi loại rau sẽ cần một hàm lượng dinh dưỡng riêng, thế nên cách pha chế dung dịch dinh dưỡng cũng khác nhau và linh hoạt theo từng mùa vụ. Khi chọn đúng loại dung dịch thủy canh, pha đúng tỉ lệ, độ pH, nồng độ dinh dưỡng phù hợp thì rau trồng sẽ hấp thu vừa đủ lượng dưỡng chất để sinh trưởng, phát triển, không lo hiện tượng thừa dinh dưỡng.

Khi được trồng đúng kỹ thuật, áp dụng công nghệ phù hợp thì trồng rau thủy canh sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn so với trồng rau bằng đất. Rau thủy canh được trồng trong môi trường dung dịch dinh dưỡng đạt chuẩn, kiểm nghiệm chặt chẽ về chất lượng, hàm lượng khoáng chất, vi chất đầy đủ sẽ cho năng suất cây trồng cao.

Hà Bình