Y học và đời sống

Rận bám chi chít trên mi mắt người phụ nữ 50 tuổi

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Qua thăm khám, bác sĩ bất ngờ phát hiện hàng chục con rận bám chi chít trên các sợi lông mi của người phụ nữ 51 tuổi (Long An).

Ngày 27/5, đại diện Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân 51 tuổi (Long An) bị rận đẻ trứng và ký sinh trên lông mi mắt.

Theo đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngứa nhiều vùng quanh mi mắt, bờ mi sưng đỏ, cảm giác nặng mi mắt, nhất là vào ban đêm nên bệnh nhân quyết định vào khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An để thăm khám.

Qua thăm khám, bác sĩ bất ngờ khi phát hiện dưới lớp vảy mi mắt có nhiều con rận mu mắt bám chi chít trên mi mắt bệnh nhân. Trên lông mi, trứng rận xâu thành chuỗi.

Hàng chục con rận, bám chi chít trên mi mắt người phụ nữ 50 tuổi. Ảnh BVCC

Hàng chục con rận, bám chi chít trên mi mắt người phụ nữ 50 tuổi. Ảnh BVCC

Các bác sĩ đã tiến hành gắp ra hàng chục con rận bám chặt vào mi mắt. Sau đó xử lý trứng rận trên lông mi để tránh chúng sinh sôi làm tổ. Các bác sĩ cũng sử dụng dung dịch vệ sinh mắt chuyên dụng cho bệnh nhân đồng thời hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh mắt sau khi về nhà. Hiện chưa rõ nguyên nhân người phụ nữ bị mắc tình trạng này.

Bác sĩ khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An cho biết, rận mi hay còn gọi là rận mu hoặc rận lông mu, rận bẹn, được truyền qua tiếp xúc cơ thể, như hôn, quan hệ tình dục hoặc các tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Ngoài ra, rận mu còn có thể lây qua chăn, chiếu, mùng mền, quần áo, khăn tắm… khi dùng chung.

Khi bị rận mi, bệnh nhân có thể cảm thấy ngứa, sẩn đỏ mắt hoặc có các vảy màu đỏ sẫm ở mi, lông mi. Rận có tốc độ sinh sôi nảy nở nhanh, gây khó chịu, nguy cơ viêm nhiễm vùng bị ký sinh, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh đó, có thể lây cho những người xung quanh, đặc biệt khi sống cùng nhà.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần lưu ý trong điều trị, thay đổi trong thói quen sinh hoạt nhằm bảo vệ sức khỏe gia đình. Sử dụng thêm một số loại sữa tắm, dầu gội diệt khuẩn để hỗ trợ loại bỏ rận. Quần áo, ga giường, vỏ gối và khăn tắm nên được giặt ở nhiệt độ 50 độ C trong nửa giờ, sau đó sấy khô trong 10 phút.

Loại bỏ rận và trứng trên mi mắt bằng nhíp, sử dụng một số thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Cần điều trị cho bệnh nhân và các thành viên trong gia đình để được giải quyết dứt điểm, tránh việc lây lan và tái nhiễm. Đến cơ sở nhãn khoa uy tín khi có những dấu hiệu bất thường như cộm xốn, đau nhức, nhìn mờ...

Giang Thu (T/H)