Chuyển động

Rác thải nhựa nhiều, Việt Nam vẫn nhập khẩu thứ 3 ASEAN

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Các doanh nghiệp ngành nhựa của Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu phế liệu nhựa. Tuy nhiên, việc nhập khẩu này có thể sẽ gây ra những tác động gây ô nhiễm môi trường.

Nhập khẩu tới 80% nguyên liệu

Tại Hội nghị Tổng kết ngành nhựa năm 2019, ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 15% - 35% nhu cầu, 85% còn lại đang phụ thuộc vào nhập khẩu.

Nhập khẩu phế liệu nhựa tuy giá thành sản xuất và giá sản phẩm cạnh tranh, song các doanh nghiệp nhựa Việt Nam cũng phải đối mặt với rủi ro rất lớn về tác động gây ô nhiễm môi trường.

Trong số khoảng 17.000 container phế liệu nhập khẩu về Việt Nam hiện ách tắc tại các cảng biển thời gian gần đây do có liên quan đến thủ tục nhập khẩu, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phế thải… chưa được xử lý, chỉ riêng ngành nhựa có đến 5.000 container.

Tờ The Asean Post cho biết, sau khi Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu chất thải vào đầu năm 2018, lượng nhập khẩu rác nhựa từ các nước phát triển vào khu vực ASEAN đã tăng mạnh. Trong đó, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam là 3 nước nhập khẩu nhựa nhiều nhất.

Số liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ cho biết, trong nửa đầu năm 2018 có gần một nửa lượng chất thải nhựa được xuất khẩu từ quốc gia này tới 3 nước trên với mục đích tái chế.

Nguyên nhân là do tại các nước này, các quy định, chế tài về nhập khẩu rác thải nhựa đang còn rất nhiều vấn đề, lỏng lẻo về pháp lý và chi phí rẻ hơn các quốc gia khác. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ chuyển tải bất hợp pháp từ việc "mượn" C/O từ Việt Nam để xuất khẩu.

Thực tế, trên thế giới đến nay chưa có một quốc gia nào từ bỏ sản phẩm nhựa. Các nước hiện nay đang cố gắng hướng việc sản xuất, tiêu thụ và xử lý rác thải nhựa sau sử dụng để trở thành một nguồn tài nguyên mới, tạo ra các giá trị về kinh tế và môi trường.

Tại Việt Nam, dư địa phát triển ngành nhựa còn rất lớn, từ tiêu dùng (nhựa gia dụng, bao bì…) cho đến phục vụ các ngành sản xuất khác như ô tô, xe máy, điện tử, điện gia dụng, y tế, văn phòng… (nhựa kỹ thuật cao).

Ngoài phục vụ thị trường nội địa, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam còn có thể tận dụng cơ hội ưu đãi thuế quan từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) để xuất khẩu. Dự báo, đến năm 2030, tổng doanh thu ngành nhựa sẽ đạt khoảng 25 tỷ USD, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa sẽ đạt khoảng 7-8 tỷ USD.

Năm 2019 sản lượng sản xuất của ngành nhựa tăng trưởng 7,2% đạt 8,89 triệu tấn. Doanh thu của ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng ở mức 11,9% so với năm 2018 đạt tổng doanh thu 17,58 tỉ USD. Riêng xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2019 đạt 4,69 tỉ USD.

Thiếu thu gom

Việt Nam lại là một trong những nước có lượng rác thải nhựa đứng hàng đầu trên thế giới. Số liệu điều tra của Ngân hàng Thế giới (WB) và một số tổ chức quốc tế khác cho thấy, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về rác thải nhựa.

Còn theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay lượng chất thải rắn sinh hoạt cả nước phát sinh khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị khoảng 37.000 tấn/ngày, nông thôn khoảng 24.000 tấn/ngày. Trong đó, rác thải nhựa chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Tại Hà Nội, theo Thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình 6.500 tấn/ngày.  Số lượng rác này không được phân loại tại nguồn, thành phần đa dạng, trong đó, chất thải nhựa chiếm tỷ lệ cao, chiếm 17,14%.

Chất thải nhựa thải ra môi trường chủ yếu là nhựa dùng 1 lần và túi ni lông phát sinh từ sinh hoạt, nhựa phế liệu phát sinh từ các cơ sở sản xuất. Các loại nhựa có giá trị tái chế như chai nước...được thu gom một phần từ hộ gia đình, nhặt tại bãi rác, nhưng các loại nhựa không có hoặc có giá trị tái chế thấp, gồm túi nilon, hộp xốp các loại, ống hút nhựa bị thải ra môi trường.

Tại Hà Nội và TPHCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon do thói quen sử dụng túi nilon tràn lan trong các hoạt động sinh hoạt, xã hội. Hàng năm, mỗi người Việt sử dụng khoảng 30 kg các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa nhưng tỷ lệ tái chế còn rất thấp.

Còn theo khảo sát của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới, hơn 50% hộ kinh doanh quy mô nhỏ thiếu hiểu biết về bản chất, tác động của rác thải nhựa và tình trạng rò rỉ rác nhựa ra môi trường; 63% hộ kinh doanh không nắm được bất cứ quy định pháp lý nào về quản lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường; 34% hộ gia đình cảm thấy không ổn về tình hình phát sinh rác thải nhựa xung quanh. Chỉ 31% hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nhà.

Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam, mới chỉ có 20% số rác thải nhựa được thu gom để xử lý hoặc tái chế. Trong đó, chủ yếu là do các cá nhân thực hiện ở mức sơ khai, quy mô nhỏ, công nghệ rất lạc hậu, hiệu quả tái chế thấp.

Quốc Trọng