NHÌN THẲNG

Rà soát hơn 1.200 PGS, GS 2017: Phát hiện 1 người không đủ tiêu chuẩn

Ngày 27/2, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) họp về kết quả rà soát ứng viên giáo sư, phó giáo sư vừa được công nhận năm 2017.

Theo nguồn tin của phóng viên, đến nay, mới phát hiện ra 1 trường hợp không đủ tiêu chuẩn. Kết quả rà soát chính thức sẽ được công bố tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày mai (1/3).

Theo tìm hiểu của phóng viên một số hội đồng ngành vẫn bảo lưu kết quả 100% ứng viên của mình đủ tiêu chuẩn như Hội đồng Toán, hội đồng Giao thông Vận tải.

Riêng hội đồng Hóa học, GS Đặng Ứng Vận, Chủ tịch hội đồng cho biết có một trường hợp ứng viên không đủ tiêu chuẩn. Ứng viên này thuộc một trường ĐH khu vực phía Nam. Lý giải nguyên nhân với PV Tiền Phong, GS Đặng Ứng Vận cho hay lỗi này thuộc về HĐ cơ sở.

Vị ứng viên trong hồ sơ không thể hiện được tiêu chuẩn là phải có hướng dẫn nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Sau khi rà soát lại, trường ĐH nơi ứng viên công tác đã có đơn giải trình.

Một thành viên trong HĐCDGSNN cho biết buổi chiều Hội đồng họp bàn nguyên tắc xin ý kiến Thủ tướng rồi mới triển khai tiếp. Nguyên tắc đó là rà soát tất cả các trường hợp cần thiết. Vị thành viên này cũng cho biết thông tin sẽ được cung cấp đến báo chí sau khi báo cáo Chính phủ. Ngoài ra, không cung cấp gì thêm vì đã được quán triệt tinh thần chung.

PGS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, dự đoán kết quả rà soát số ứng viên không đủ tiêu chuẩn sẽ rất ít, vì các hội đồng phải bảo vệ “sản phẩm” của mình. Vấn đề dư luận quan tâm là chất lượng. Nếu Hội đồng ngành, HĐCDGSNN không làm được việc đó thì phải yêu cầu có một cơ quan thẩm định độc lập.

Theo PGS Phạm Đức Chính, trình độ của GS, PGS hiện chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Không chỉ ứng viên chất lượng thấp mà các thành viên HĐCDGS ngành, liên ngành chất lượng cũng thấp nếu xét theo tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, PGS Phạm Đức Chính khẳng định không chỉ đổi mới tiêu chuẩn xét giáo sư, phó giáo sư mà phải đổi mới cả chất lượng HĐCDGS ngành, liên ngành. Phải làm song song hai nội dung này thì chất lượng ứng viên GS, PGS mới nâng được.

PGS Nguyễn Ngọc Châu, Viện sinh thái và Tài nguyên cũng khẳng định kết quả rà soát dù có thấp cũng không có gì bất ngờ. Vì lỗi tại chính sách, lỗi hệ thống. PGS. Châu cho rằng ông thấy buồn chứ không bất ngờ.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH FPT cho rằng nếu nhìn nhận theo góc độ xã hội thì trong hai năm vừa qua, cả tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư đều “mất giá”. Ông cũng cho rằng, với số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư không làm việc tại các trường ĐH, các viện nghiên cứu như Tiền Phong đã thống kê (khoảng gần 90 người) thì ông chắc chắn, chỉ 20% trong số này có công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc, được các giải thưởng lớn. Số còn lại chắc chắn không đạt được điều này.

“Công trình khoa học xuất sắc không phải do HĐCDGSNN hay HĐCDGS ngành, liên ngành tự bình chọn. Mà đó phải là các bài báo đăng trên các tạp chí ISI, Scopus danh tiếng được trích dẫn nhiều…” – TS Lê Trường Tùng khẳng định lại một lần nữa.

14 nghịch lý giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam

PGS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên nhắc lại 14 nghịch lý giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam mà ông đã từng phát biểu tại một hội thảo được tổ chức vào năm 2017. Theo đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến nghịch lý Việt Nam có số lượng GS, PGS được bổ nhiệm vào loại nhiều ở các nước châu Á, đặc biệt so với các nước Đông Nam Á), nhưng vẫn không có đại học nào được xếp hạng top 350 của châu Á (Theo Higher Education, 2017).

Trong khi hầu hết các nước Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia, thậm chí Philippines đều có đại học xếp hạng top này. Nhiều GS, PGS được bổ nhiệm nhưng chỉ 30% có thể đạt chuẩn quốc tế (theo GS Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng thư ký Hội đồng CDGSNN). Thực tế nếu tính chuẩn GS, PGS quốc tế phải có 50-100 công bố trên tạp chí thuộc danh sách ISI thì còn ít hơn nhiều. Yêu cầu rất nhiều chuẩn, nhưng chất lượng GS, PGS vẫn thấp.

Chỉ ở Việt Nam mới xét GS, PGS bằng tổng những con số cộng vô cảm: Điểm bài báo + Điểm sách + Điểm hướng dẫn NCS + Số giờ giảng dạy + Thâm niên giảng dạy + Tỷ lệ phiếu yêu/ghét. Tất cả xếp hàng ngang chỉ cần một trong các tiêu chí trên không đủ theo quy định thì không đạt GS, PGS Giáo sư ‘dởm” xét cho ứng viên GS thật. GS “dởm” ở đây là giáo sư không đạt chuẩn quốc tế, không có kinh nghiêm nghiên cứu và công bố quốc tế lại đi thẩm định cho ứng viên đạt chuẩn quốc tế.

Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)