Trong nước

Quỹ Toàn cầu tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét

  • Tác giả : P.V
Tính đến tháng 5/2023, Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 650 triệu USD cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét...
Quỹ Toàn cầu được thành lập vào năm 2002 để chống lại những đại dịch nguy hiểm nhất mà nhân loại phải đối mặt lúc bấy giờ là dịch bệnh AIDS, lao và sốt rét, đồng thời đảm bảo một tương lai lành mạnh hơn, an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Trong hơn 20 năm vừa qua, Quỹ Toàn cầu đã nỗ lực tài trợ hơn 55 tỷ USD, cứu sống 50 triệu người và giảm được hơn một nửa tỉ lệ tử vong do 3 căn bệnh này ở các quốc gia được tài trợ.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao lần thứ 49 của Ban Điều hành Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét diễn ra ở Hà Nội vào tháng 5/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được tài trợ của Quỹ Toàn cầu từ vòng đầu tiên vào năm 2003. Kể đó đến nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 650 triệu USD cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét.
Quy Toan cau tiep tuc ho tro Viet Nam phong, chong HIV/AIDS, lao va sot ret
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao tặng Bằng khen cho Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, lao và sốt rét hồi tháng 5/2023. Ảnh: Bộ Y tế.
Sau hơn 30 năm kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, đến nay năm 2023 là năm thứ 15 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí gồm giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.
Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn được kiểm soát ở mức dưới 0,3%, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới mức 0,2%, ước tính dự phòng được khoảng nửa triệu người không bị nhiễm HIV, cứu được khoảng 200.000 người không bị tử vong do AIDS.
Về phòng chống lao, cùng với đầu tư từ ngân sách và các đối tác quốc tế khác, nguồn kinh phí từ Quỹ Toàn cầu hỗ trợ chiếm khoảng 70-80% tổng kinh phí vận hành Chương trình phòng chống lao của cả nước. Riêng giai đoạn 2015-2023, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ Việt Nam 160 triệu USD. Dựa trên tính hiệu quả, tính minh bạch và cam kết mạnh mẽ của hệ thống chính trị (tăng đầu tư trong nước, thành lập Uỷ ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao), Quỹ toàn cầu đã tăng dần tài trợ cho Việt Nam.
Theo tính toán và ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 20 năm qua, hoạt động phòng chống lao ở Việt Nam đã tránh đi cái chết của hàng triệu người và làm cho hệ thống phòng chống lao Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận y học chính xác.
Về phòng, chống sốt rét: Vào những năm 1991, toàn quốc ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc sốt rét, gần 5.000 ca tử vong và gần 200 vụ dịch, nhưng đến hết năm 2022 chỉ còn hơn 400 ca mắc sốt rét (giảm trên 90%), không có dịch sốt rét và không còn trường hợp tử vong do sốt rét, Việt Nam đã có 42/63 tỉnh loại trừ được sốt rét.
Đạt được những thành công như vậy có sự hỗ trợ quý báu của Quỹ Toàn cầu thông qua các hoạt động phòng, chống sốt rét như: Cung cấp hơn 3 triệu màn đôi, màn đơn, cung cấp hàng trăm kính hiển vi, hàng nghìn máy vi tính để phục vụ hệ thống phát hiện chẩn đoán sốt rét sớm, điều trị kịp thời.

Đặc biệt, khi cả thế giới và Việt Nam phải đối mặt với dịch COVID- 19, Quỹ Toàn cầu đã kịp thời chung tay với Việt Nam để giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19 ngay thời điểm dịch bùng phát mạnh ở Việt Nam, bao gồm: cung cấp máy móc, thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán và điều trị COVID- 19, trang bị phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, kiểm soát lây nhiễm, đảm bảo duy trì các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị...

Ghi nhận sự hợp tác, đóng góp nguồn lực giúp Việt Nam phòng chống 3 bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trao tặng Bằng khen cho Quỹ Toàn cầu và tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân” cho các cá nhân thuộc Quỹ Toàn Cầu để ghi nhận những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự pháp triển y tế Việt Nam nói riêng và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân Việt Nam nói chung.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Toàn cầu, ông Donald Kaberuka, đã thay mặt Quỹ Toàn Cầu khẳng định, sự thành công trong công tác phòng chống 3 bệnh của Việt Nam là cảm hứng cho các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Quỹ Toàn Cầu đã ban hành chiến lược cho giai đoạn 2023-2028, trong đó nhấn mạnh tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư nguồn lực cho phòng chống 3 bệnh, theo cách tiếp cận lấy người bệnh làm trung tâm.
Đối với Việt Nam, trong giai đoạn 2024-2026 và đến năm 2030, sự quan tâm đầu tư cho phòng chống AIDS, Lao sẽ được tiếp tục quan tâm duy trì. Tuy nhiên, mức độ quan tâm đầu tư cho phòng chống sốt rét sẽ giảm, bởi tình trạng sốt rét ở Việt Nam đã giảm mạnh, nên Quỹ dồn nguồn lực đầu tư cho những địa bàn có tỷ lệ mắc sốt rét ở mức cao.
P.V