Làm đẹp

Quy tắc "vàng" bảo vệ làn da trước tác hại của ánh nắng mặt trời

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Ánh nắng mặt trời là "khắc tinh" của làn da bởi khi tiếp xúc trực tiếp với nó một thời gian khá dài, chúng ta có thể bị ảnh hưởng xấu như gây lão hóa, bỏng nắng, ung thư da và một số bệnh chứng khó lường khác.

Ánh nắng mặt trời mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, ánh nắng mặt trời cũng tác động tiêu cực tới cơ thể nếu thiếu hiểu biết.

Quy tắc "vàng" bảo vệ làn da trước tác hại của ánh nắng mặt trời. Ảnh minh họa

Quy tắc "vàng" bảo vệ làn da trước tác hại của ánh nắng mặt trời. Ảnh minh họa

Nắng và tia UV ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Ánh nắng mặt trời tác động tiêu cực vào cơ thể là do các bức xạ cực tím (tia UV) của mặt trời. Có 3 loại là UVA, UVB và UVC. Trong đó, tia UVC có khả năng gây ung thư rất cao. Nhưng nhờ tác dụng bảo vệ của tần ozon nên các tia UCV hầu như không thể "xuyên thấu" tới bề mặt trái đất và ít gây ảnh hưởng tới con người.

Hai loại tia còn lại UVA và UVB có thể làm tổn thương da. Tia UVB thay đổi cường độ theo từng thời điểm trong ngày, cao nhất là khoảng 10 – 14 giờ. Những tháng hè là thời gian UVB gây tổn thương da nhiều nhất, chiếm khoảng 70% số người tiếp xúc tia cực tím. UVB tác động trực tiếp lên lớp thượng bì (lớp ngoài cùng của da), gây các tổn thương tức thì như rám nắng, bỏng nắng.

Tia UVA có một số tính chất khác so với UVB. Cường độ UVA giữ ổn định trong ngày, không có thời điểm đạt mức tối đa và có thể xuyên qua kính cửa sổ và xe hơi.

Tia UVA còn có khả năng xuyên sâu vào da đến lớp bì, tác động lâu dài, tích lũy theo thời gian.

Như vậy, tia UVB gây ra hầu hết các tác hại ngắn hạn như bỏng nắng, biến đổi màu sắc da, rám da, đau rát da và ở những trường hợp nặng da có thể bị phồng rộp… Tiếp xúc quá nhiều tia UVB làm cho lớp ngoài cùng của da dầy hơn. Đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của da nhưng có thể gây tổn thương nhiều vì làm cho lớp thượng bì hấp thu và tán xạ tia UVB nhiều hơn.

Cả 2 loại tia, nhất là UVA, đều gây tác động dài hạn, tích lũy theo thời gian như: sản xuất gốc tự do, lão hóa do ánh sáng và sinh ung thư. Tiếp xúc lâu dài với ánh nắng làm biến đổi kết cấu và giảm độ đàn hồi da, dẫn đến các biểu hiện lão hóa sớm như nếp nhăn, chùng da, túi mỡ, sạm da…

Các nghiên cứu còn thấy tiếp xúc với tia cực tím và bỏng nắng trong thời thơ ấu được xem là có liên quan đến ung thư da sau này như u hắc tố, ung thư tế bào gai và ung thư tế bào đáy.

Bảo vệ da trước tác hại của ánh nắng mặt trời

Hạn chế tối đa việc tiếp xúc ánh nắng trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 15 giờ

Đây là lúc tia hồng ngoại, tử ngoại của mặt trời hoạt động mạnh và nguy hiểm nhất. Ở những vùng có khí hậu khắc nghiệt, bạn cần thận trọng hơn. Làn gió mát mẻ hiếm hoi của mùa hè tuy mang lại cảm giác dễ chịu, nhưng khi ánh mặt trời đã lên cao cũng rất có hại cho da.

Làn da sáng dễ bị bắt nắng nhất, những người có làn da sẫm hơn cũng có thể bị nguy hại từ ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, mức độ tác hại của ánh nắng mặt trời ở những vùng có cát hay trên bề mặt nước cao gần gấp 3 lần so với những vùng bình thường khác. Nguyên nhân do bề mặt của nước và cát có thể tiếp nhận và phản chiếu ngược lại hơn 85% các tia có hại của mặt trời.

Do đó, hãy thận trọng khi đi dưới ánh nắng ở những vùng có cát hoặc khi bơi lội, đi thuyền.

Nguyên tắc khi thoa kem chống nắng

Khi thoa kem chống nắng, nên ở trong mát từ 20 đến 30 phút cho kem thật khô mới ra ngoài. Điều này rất cần thiết và giúp kem chống nắng có thể bám chặt lên da, đặc biệt khi đi bơi, và các thành phần kích hoạt trong kem chống nắng có đủ thời gian để tác động lên da một cách hiệu quả hơn.

Lưu ý không dùng kem chống nắng của trẻ em cho người lớn và ngược lại. Các loại kem chống nắng dành riêng cho trẻ thường không đủ mạnh để bảo vệ làn da người lớn và ngược lại, các loại kem chống nắng người lớn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ do có chứa nhiều thành phần mạnh như axit para aminobenzoic hay các thành phần có chất cồn.

Chỉ nên cho trẻ lên 6 tháng tuổi dùng kem chống nắng. Trường hợp phải ở ngoài nắng trong thời gian dài, hãy thoa kem chống nắng nhiều lần, lần này cách lần kia khoảng 2 giờ đồng hồ.

Với các loại kem chống nắng SPF 15, SPF 20 hoặc SPF 30... thời gian kích hoạt an toàn của chúng phần lớn phụ thuộc vào mức độ bắt nắng của từng loại da.

Thay đổi chế độ ăn uống

Dùng nhiều nước và trái cây là biện pháp giúp làn da đẹp từ bên trong. Không nên ăn đồ quá ngọt hoặc quá chua. Một số loại rau giàu kali như: rau má, mồng tơi, rau đay, bồ ngót... hoặc trái cây giàu vitamin như dâu tây, dưa hấu, cam, bưởi, táo, chuối... tốt cho bạn trong những ngày mùa nắng, nhất là khi đi biển.

Trang phục giúp da chống nắng

Khi đi ngoài nắng, nên chọn mặc những trang phục dày, có màu tối do chúng thường ít bắt nắng và có khả năng hạn chế sự xuyên thấu của ánh sáng mặt trời. Loại kính râm cũng rất quan trọng trong việc bảo vệ đôi mắt bạn. Mắt kính có màu đen hoặc nâu là biện pháp bảo vệ mắt vô cùng cần thiết.

Kính râm vừa che bụi, khói xe, che chắn vật lạ vào mắt và ngăn cản tia cực tím để phòng tình trạng mắt không bị đục thủy tinh thể sớm.

Kiểm soát thời gian tắm nắng một cách hợp lý

Chỉ nên tắm nắng lần đầu tiên nhiều nhất là 30 phút. Những lần sau đó, có thể tăng thêm 5 đến 10 phút, nếu thấy phù hợp. Vào những ngày có mây và sương mù, mức độ nguy hiểm của ánh nắng mặt trời vẫn không thuyên giảm, vì thế cần cẩn trọng trong việc bảo vệ da.

Muốn giữ làn da rám nắng tự nhiên mà không cần dùng các giải pháp bảo vệ khác, nên tránh phơi da dưới ánh nắng gắt và từ giữa 12 giờ đến 14 giờ. Khi da bị rám nắng, cũng có nghĩa là nó đang phải chịu đựng sức tấn công của ánh nắng mặt trời do bạn không biết tạo nên một rào cản hiệu quả trước ảnh hưởng của tia cực tím, vì thế phải biết cách bảo vệ để có làn da rám nắng lý tưởng.

Giang Thu (T/H)