NHÌN THẲNG

Quảng Ninh: Hàng loạt tồn tại cần chấn chỉnh trong trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội

  • Tác giả : Lương Thụy Bình
(khoahocdoisong.vn) - Chưa tổng hợp, báo cáo công tác xác định mức độ khuyết tật; chưa, chậm xác lập hồ sơ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); chưa sao gửi UBND cấp xã bản tổng hợp danh sách đối tượng đã nhận tiền… là những tồn tại, hạn chế đã được Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH chỉ rõ trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Thanh tra đâu, sai sót đó

Tính đến thời điểm tháng 6/2020, toàn tỉnh Quảng Ninh có 40.451 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên, chế độ hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hằng tháng tại cộng đồng. Trong đó, có 219 trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; 14.483 người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng; 1.892 người khuyết tật đặc biệt nặng từ 16 – 60 tuổi; 1.300 người khuyết tật đặc biệt nặng từ 60 tuổi trở lên...

Thanh tra chỉ rõ nhiều tồn tại, sai sót trong chấp hành pháp luật về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Thanh tra chỉ rõ nhiều tồn tại, sai sót trong chấp hành pháp luật về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Thanh tra chỉ rõ nhiều tồn tại, sai sót trong chấp hành pháp luật về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Kết luận thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh chưa rà soát, sắp xếp, kiện toàn Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh để bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động theo quy định tại Khoản 3 Điều 50 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cũng phát hiện Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh chưa thực hiện quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình và tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội, gồm: Chưa bố trí đủ nhân viên công tác xã hội; chưa bố trí đủ nhân viên phụ trách dinh dưỡng; chưa bố trí đủ nhân viên chăm sóc trực tiếp đối tượng tại Trung tâm; chưa bố trí đủ nhân viên phục hồi chức năng; chưa có nội quy riêng của cơ sở trợ giúp xã hội quy định dọn dẹp vệ sinh và vệ sinh cá nhân theo quy định; chưa lập kế hoạch dừng trợ giúp và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với đối tượng về địa phương sinh sống.

Cùng với đó, tại TP Hạ Long, UBND TP Hạ Long xác định sai thời điểm hưởng trợ cấp đối với 5 đối tượng, dẫn đến đối tượng hưởng thiếu tiền trợ cấp. Ngoài ra, UBND TP Hạ Long chậm điều chỉnh trợ cấp đối với 40 đối tượng khi thay đổi điều kiện hưởng.

Tại thời điểm thanh tra, UBND các phường Bạch Đằng, Hà Trung đều chưa tổng hợp, báo cáo công tác xác định mức độ khuyết tật gửi Phòng LĐ-TB&XH TP Hạ Long theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 11 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH. Đồng thời, UBND phường Bạch Đằng chậm xác lập hồ sơ đề nghị Phòng LĐ-TB&XH TP Hạ Long thẩm định điều chỉnh trợ cấp đối với 2 đối tượng khi thay đổi điều kiện hưởng; con số này ở UBND phường Hà Trung là 4 đối tượng.

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh (phường Nam Khê, TP Uông Bí). - Ảnh: Internet.

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh (phường Nam Khê, TP Uông Bí). - Ảnh: Internet.

Hay tại UBND TP Cẩm Phả cũng diễn ra tình trạng tương tự, như: Chậm điều chỉnh trợ cấp đối với 2 đối tượng khi thay đổi điều kiện hưởng; chưa chỉ đạo phường Cẩm Tây xác lập hồ sơ để thẩm định và ban hành quyết định điều chỉnh 3 đối tượng khi thay đổi điều kiện hưởng.

Trong đó, UBND các phường Cẩm Trung, Cẩm Tây chưa tổng hợp, báo cáo công tác xác định mức độ khuyết tật gửi Phòng LĐ-TB&XH TP Cẩm Phả theo quy định. Bên cạnh đó, 2 cơ quan này cũng chưa chi trả kinh phí cho chủ tịch và thành viên hội đồng xác định mức độ khuyết tật theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH và Điều 7 Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC. Riêng UBND phường Cẩm Tây còn chưa xác lập hồ sơ gửi Phòng LĐ-TB&XH để thẩm định, trình Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả ban hành quyết định điều chỉnh 3 đối tượng khi thay đổi điều kiện hưởng.

Ngoài ra, Bưu điện TP Hạ Long và Bưu điện TP Cẩm Phả chưa sao gửi UBND cấp xã bản tổng hợp danh sách đối tượng đã nhận tiền, số tiền đã chi trả và danh sách đối tượng chưa nhận tiền để chuyển chi trả vào tháng sau theo hướng dẫn tại điểm a, Khoản 5, Điều 9 Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC. Mặt khác, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bưu điện TP Hạ Long chưa chi trả trợ cấp hằng tháng kịp thời cho 222 đối tượng, với số tiền hơn 130 triệu đồng; trong 8 tháng đầu năm 2020, Bưu điện TP Cẩm Phả chưa chi trả kịp thời trợ cấp hàng tháng cho 1.166 người, với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Cần xử lý, chấn chỉnh kịp thời

Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh có thông báo bằng văn bản về những hạn chế, thiếu sót đến các đơn vị cấp huyện, cấp xã, các cơ sở bảo trợ xã hội còn lại trên địa bàn tỉnh để rút kinh nghiệm, tự rà soát, chấn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại địa phương.

Đối với Chủ tịch UBND TP Hạ Long, Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đề nghị tổ chức thực hiện nghiêm kiến nghị; kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân (nếu có) đã để xảy ra sai sót nêu trên. Đồng thời, chấn chỉnh công tác lập hồ sơ, quyết định trợ cấp, điều chỉnh trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn đảm bảo đúng thời điểm hưởng khi đủ điều kiện và thay đổi điều kiện.

Song song đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu Giám đốc Bưu điện TP Hạ Long, Giám đốc Bưu điện TP Cẩm Phả sao gửi UBND cấp xã bản tổng hợp danh sách đối tượng đã nhận tiền, số tiền đã chi trả và danh sách đối tượng chưa nhận tiền để chuyển chi trả vào tháng sau theo quy định. Chấn chỉnh công tác chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời.

Lương Thụy Bình