Đồng chí Trần Kiên (áo trắng, giữa) với bà con dân tộc thiểu số ở Đắc Lắc năm 1991.
Về hưu trả nhà, trả hết mọi chế độ ưu đãi
Ông Trần Kiên sinh năm 1920 tại Nghĩa Kỳ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi; tham gia cách mạng năm 1936, vào Đảng năm 1945; cả cuộc đời trai trẻ của ông gắn liền với cuộc chiến đấu ở miền Trung và Tây Nguyên; là ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, Bí thư Trung ương Đảng các khóa V, VI.
Sau khi đất nước thống nhất, ông làm bí thư tỉnh ủy các tỉnh Quảng Ngãi, Nghĩa Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc và mấy năm làm Bộ trưởng bộ Lâm nghiệp. Tại Đại hội VI, ông được bầu vào Ban bí thư Trung ương Đảng và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Mặc dù rất được tín nhiệm, nhưng kết thúc nhiệm kỳ Đại hội VI, ông kiên quyết xin nghỉ vì tuổi đã cao. Việc đầu tiên, Bí thư Trung ương Đảng Trần Kiên thực hiện là trả lại cho Nhà nước ngôi biệt thự hai tầng ở khu Trung Tự, Hà Nội, trả lại hết mọi chế độ ưu đãi dành cho cán bộ lãnh đạo cấp cao; xin Trung ương được trở về quê hương Quảng Ngãi sinh sống.
Người ta thấy, gia tài của cả một đời làm cán bộ theo ông về quê chất chưa đầy một chiếc xe chở hàng nhỏ, trong đó, giá trị nhất là chiếc xe đạp được phân phối từ thời bao cấp.
Văn phòng Trung ương, Ban Tài chính quản trị trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ngãi theo chỉ thị phải lo việc xây dựng nhà ở cho đồng chí Trần Kiên tại quê, nhưng ông xin phép không chấp hành quyết định này vì ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, còn nhiều đồng chí, đồng bào đang gặp khó khăn.
Ông nói số tiền đó nên dùng vào việc chung thì có ích lợi hơn. Vậy nên, ông chỉ xin địa phương một mảnh đất nhỏ, rồi dùng tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để xây dựng nhà ở mà không đòi hỏi một thứ quyền lợi nào khác.
Đi xe đạp để được gần dân
Với chiếc xe đạp cọc cạch, ông đến tận các huyện miền núi, đến với đồng bào các dân tộc, những vùng nghèo khó nhất cùng tỉnh ủy bàn cách xóa đói giảm nghèo cho bà con.
Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm Quảng Ngãi, thấy ông đi xe đạp, đã đề nghị trung ương cấp cho ông một chiếc xe hơi. Nhưng ông từ chối, xin được đi xe đạp để gần dân hơn, thấu hiểu dân chúng hơn.
Một cán bộ dưới quyền ông kể lại: “…Một lần, được sự đồng ý của thường trực tỉnh ủy, chúng tôi mang đến “trang bị” cho chú một tủ lạnh và một máy giặt. Chú đồng ý nhận một cách rất vui vẻ…
Nhưng không ngờ độ mười ngày sau, chú đi xe ôm đến cơ quan tìm gặp tôi và đưa cho tôi một bọc tiền. Chú nói hôm trước các cháu mua hộ cho chú, chú rất ưng ý, hôm nay đến hạn rút tiền tiết kiệm, chú gửi lại tiền để cháu trả lại cơ quan”.
Ông sống như thế cho đến khi qua đời vào năm 2004. Trước đó, một người bạn đã hỏi ông: “Anh sống như thế sau này có sợ người ta chê cười là dại không?”.
Ông bảo, một người bạn cùng thời hiện đang sống trong một cơ ngơi đàng hoàng mà ai thấy cũng phải thèm muốn, đã bảo ông dại, vì nếu không trả cái nhà ở khu biệt thự Trung Tự thì bây giờ đã có hàng ngàn cây vàng.
Ông đã trả lời: “Anh nói đúng, tôi quả là người dại tiền thật đấy… Nhưng chỉ với một mảnh vườn nhỏ và một ngôi nhà cấp 4 ở cái thị xã Quảng Ngãi bé nhỏ nhất nước này, tôi vẫn cảm thấy đầy đủ hơn bao đồng chí cùng thời và trước tôi…”
Câu chuyện đồng chí Trần Kiên làm chúng ta cảm thấy nhẹ lòng biết bao trước chân dung một người lãnh đạo. Nhưng cũng nhói lòng biết bao khi thấy bây giờ có rất nhiều quan chức đang sống khác, đang vun vén cho mình quá cỡ, đang đánh cắp trắng trợn lòng tin của hàng triệu đồng bào.
TS Nguyễn Thành Hữu