Nhiều người chung tay
Sau gần một tháng khai trương, quán cơm “Nụ cười Shinbi” đối diện cổng Bệnh viện K (Tân Triều) của cặp vợ chồng anh Võ Tiên Lâm (45 tuổi) và chị Nguyễn Trà My (37 tuổi) đã đem đến cho rất nhiều bệnh nhân ung thư, người nhà bệnh nhân, người lao động nghèo một cảm giác ấm áp, đầy ắp tình người.
Nhiều tình nguyện tham gia nấu cơm cho các bệnh nhân. |
Chị Nguyễn Trà My cho biết, tiền thân của quán này cũng là quán cơm cùng mô hình, mục đích có tên là Yên Vui Tân Triều. Tuy nhiên, do nhiều lý do chủ quán đã không thể tiếp tục hoạt động được nữa nên hai vợ chồng chị đã quyết định thuê lại quán này để tiếp tục vận hành, phục vụ những người có hoàn cảnh khó khăn.
“Cơ duyên bắt nguồn từ đợt cao điểm dịch COVID-19, khi đó hai vợ chồng tôi có tham gia hỗ trợ tại quán cơm Yên Vui Tân Triều với vai trò là những tình nguyện viên “cứng”. Gắn bó với công việc này, được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, thấy họ kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư, chắt chiu từng đồng lo tiền viện phí... trong lòng cảm thấy vô cùng xót xa. Chính vì vậy chúng tôi đã quyết định thuê lại địa điểm này tiếp nối hành trình thiện nguyện”, chị Trà My bày tỏ.
Lí do quán cơm có tên là Nụ cười Shinbi, theo chị My chia sẻ, để vận hành quán thì với nguồn kinh tế của 2 vợ chồng là không đủ, thật may mắn anh chị được một người bạn đang làm trong lĩnh vực nha khoa tài trợ chính. Với số tiền tài trợ gần 20triệu/tháng, đủ chi phí trả tiền thuê nhà, trả lương cho đầu bếp, giúp quán có thể duy trì tốt. Chính vì vậy, vợ chồng chị My đã đặt tên quán cơm là Nụ cười Shinbi để tri ân người bạn đó. Ngoài ra, “Nụ cười” còn mang thông điệp hi vọng mọi người dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất thì hãy luôn giữ nụ cười trong tim.
Khách hàng chủ yếu là những bệnh và người nhà bệnh nhân. |
Bên cạnh đó, quán cũng nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của mọi người tới từ các tỉnh trên cả nước. Có người thì ủng hộ tiền, gạo, rau, gia vị,… người thì chung tay góp sức. Tất cả cùng đồng lòng đã phần nào giúp vợ chồng chị My duy trì lâu dài quán cơm.
Có mặt tại Nụ cười Shinbi vào lúc 15h, PV đã được tận mắt chứng kiến mọi hoạt động diễn ra trong bếp, tất cả mọi người đều chung tay, vừa làm vừa trò chuyện, không khí rất vui vẻ. Ngoài các tình nguyện viên tích cực ra thì phần lớn còn lại là bà con láng giềng, họ mỗi ngày đều sang hỗ trợ và đã trở thành những người gắn bó lâu dài với quán từ trước đó.
“Để chuẩn bị những phần cơm, các thành viên của quán đã phải sơ chế nguyên liệu từ sáng, nấu cơm từ trưa, dọn dẹp và bày biện bàn ghế từ đầu giờ chiều. Các thành viên đều là những người rất trách nhiệm, nhiệt tình, để có thể duy trì được quán cơm này phần lớn là do công sức của họ chứ chỉ có 2 vợ chồng thì không thể nào làm được”, chị My cho biết.
Theo kế hoạch, thực đơn sẽ thay đổi theo ngày, gồm 1 món chính, 2 món phụ, 1 món canh và 1 đồ ăn tráng miệng. Và hôm nay, quán phục vụ khách hàng món chả rim sốt cà chua, tép khô xào, bí đao xào, canh cải thảo thịt băm và dâu tây để ăn tráng miệng. Ngay sau khi đầu bếp nấu xong, những món ăn nóng hổi sẽ được chuẩn bị ngay để chờ đón những vị khách đặc biệt.
Bên cạnh khoảng 130 -150 suất phục vụ tại chỗ, quán còn đóng hộp 30 suất để đưa đến tận nơi cho các bệnh nhân nhi.
Đều đặn mỗi buổi chiều, anh Nguyễn Thắng Dương (một người hàng xóm của Nụ cười Shinbi), dù bản thân bị khuyết tật nhưng anh vẫn năng nổ nhận nhiệm vụ vận chuyển 30 suất cơm, canh từ quán sang cổng sau bệnh viện K (Tân Triều) để gửi tới những bệnh nhi. Theo chị My, hai vợ chồng anh Dương đều là người không được may mắn, hiện đang bán rau tại chợ Xa La (Hà Đông, Hà Nội) nhưng anh rất tích cực với vai trò là người tình nguyện viên và thường xuyên giúp đỡ người khác mà đáng nhẽ ra anh phải làm người được giúp!
Giúp nhiều phận nghèo có thêm nghị lực
Bà Trần Thị Phím (62 tuổi, quê ở Thái Bình) có chồng bị ung thư, điều trị tại Bệnh viện K (Tân Triều) đã được 2 tháng. Bà Phím cho biết: “Từ lúc được những người bệnh nhân khác chỉ cho quán cơm Nụ Cười này thì ngày nào tôi cũng tới đây. Đồ ăn ở đây nóng sốt, nấu rất ngon và hợp khẩu vị. Tôi biết giá 2.000 đồng/suất thì họ làm gì có lợi nhuận, đấy là họ muốn giúp đỡ, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật mà thôi. Thật không ngờ ở đất Thủ đô lại có quán cơm ý nghĩa như thế này. Tôi xin cảm ơn tấm lòng tốt của những nhà hảo tâm.”
“Cơm ở đây ngày nào cũng đổi bữa, ngon như cơm ở nhà nấu vậy. Cơm vừa rẻ mà mọi người ở đây rất quan tâm, thường xuyên hỏi thăm trò chuyện. Những bệnh nhân như chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được quan tâm như vậy và có thêm động lực để chống lại bệnh tật”, bà Trần Thị Len (49 tuổi, quê ở Ninh Bình) cũng đang điều trị ung thư tại bệnh viện K Tân Triều lạc quan nói.
Cả một khoảng sân và một gian trong nhà mọi người đều ngồi kín. Mỗi người một hoàn cảnh, một căn bệnh nhưng có thể thấy được sự lạc quan tới từ ánh mắt, tiếng cười của họ. Ngày qua ngày, nhờ những bữa ăn mà họ được biết nhau, đã biến khoảng cách từ xa lạ trở thành thân quen, biến những bữa cơm vội vã thành bữa cơm ấm áp như với gia đình.
Món ăn hôm nay có chả rim sốt cà chua, tép khô xào, bí đao xào, canh cải thảo thịt băm và dâu tây tráng miệng. |
Đối với những bệnh nhân điều trị bệnh ung thư dài ngày, những suất cơm chỉ với giá 2000 đồng thực sự đã giúp cho nhiều số phận nghèo khổ, bệnh tật có thêm chút sức lực để chống chọi, và có thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống.
Chị Trà My chia sẻ: “2.000 đồng/suất cơm xuất phát từ việc tôn trọng mọi người, để họ có cảm giác ăn vẫn trả tiền và không phải mắc nợ ai. Tại Nụ cười Shinbi, đã có nhiều câu chuyện rất vui và ý nghĩa, các cô chú thường đi cùng nhóm với nhau và một người đã đứng ra đưa 10.000, 20.000 đồng để trả tiền và nói “hôm nay tôi mời nhé”, “hôm nay tôi bao nhé”, nghe rất đáng yêu và thấy được tâm trạng thoái mái, sảng khoái từ họ.”
Chị My cũng mong muốn, nếu vận hành ổn định được quán cơm này thì tiến tới sẽ nhân rộng mô hình thêm những quán cơm thiện nguyện khác nữa để có thể chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng nhiều hơn. Nhưng theo chị, việc đó còn ở một tương lai xa bởi hiện tại vợ chồng chị đang dành hết thời gian và tâm huyết cho quán cơm Nụ cười Shinbi này.
>>> Mời bạn đọc xem thêm video Ấm lòng với quán cơm 2000 dành cho bệnh nhân ung thư: