Quả sung (hay còn gọi là vô hoa quả, thiên sinh tử, ánh nhật quả, văn tiên quả, phẩm tiên quả, nãi tương quả, mật quả)...Theo nghiên cứu hiện đại, quả sung có chứa glucose, saccarose, quinic acid, shikimic acid, oxalic acid, citric acid, malic acid, auxin, các nguyên tố vi lượng như canxi, photpho, kali... và một số vitamin như C, B1... Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm bước đầu cho thấy, quả sung có tác dụng nhuận tràng, ngừa táo bón, hạ huyết áp, giảm cân và phòng chống ung thư.
Quả sung cũng rất tốt cho sức khỏe bởi nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy cứ trong 100g quả sung có chứa 1g protein, chất béo 0,4g, đường 12,6g, Ca 49mg, P 23mg, Fe 0,4mg, caroten 0,05mg, dẫn xuất không protein 12,3g, khoáng toàn phần 3,1g
Theo y học cổ truyền, quả sung vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, nhuận phế lợi hầu, nhuận tràng thông tiện, tiêu thũng giải độc, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, trĩ xuất huyết, sa trực tràng, viêm họng, ho, sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn, phong thấp... Liều lượng: Uống trong, mỗi ngày 30-60g sắc uống hoặc ăn sống từ 1-2 chùm nhỏ, dùng ngoài thái phiến dán vào huyệt vị châm cứu hay nơi bị bệnh, nấu nước rửa hoặc sấy khô tán bột rắc hay thổi vào vị trí tổn thương.
Viêm họng: Sung tươi sấy khô, tán bột rồi lấy một chút thổi vào họng. Hoặc sung tươi gọt vỏ, thái phiến, sắc kỹ lấy nước, cho thêm đường phèn rồi cô nhỏ lửa thành dạng cao, ngậm hằng ngày.
Ho khan không có đờm: Sung chín, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt uống mỗi ngày 1 lần.
Hen phế quản: Sung tươi lượng vừa đủ, rửa sạch giã nát, ép lấy nước cốt uống mỗi ngày 1 lần.
ThS Hoàng Khánh Toàn
(Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TƯQĐ 108)