Y học và đời sống

Quả sim chín chữa suy nhược cơ thể

Cây sim hay còn gọi là đào kim cương, sơn nhẫm, hồng sim… mọc hoang ở nhiều nơi, nhất là vùng trung du và miền núi. Theo Đông y, sim có vị ngọt chát, tính bình, đi vào kinh phế, đại trường, bổ khí huyết. Cả rễ, lá và quả sim đều có thể làm thuốc chữa bệnh.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/cay-thuoc-65-mau1.jpg

Cây sim chứa nhiều công dụng.

Sim thường được sử dụng trong những bài thuốc có tác dụng thông kinh hoạt lạc, bổ khí huyết, chữa những bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, chữa đau nhức cơ xương. Đặc biệt, sim có công dụng chữa bỏng. Sau đây là một số bài thuốc từ quả sim.

Nụ sim 8g, gừng tươi nướng 8g, củ sả 12g, tất cả sao vàng sắc đặc với 400ml nước còn 200ml, uống làm 2 lần/ngày. Công dụng: Chữa bệnh rối loạn tiêu hóa do phong hàn, đau bụng lâm râm, đau nhiều vùng rốn, có cảm giác buồn nôn, đi phân lỏng, chân tay lạnh, môi khô người mệt mỏi, nhiệt độ thân thấp.

Quả sim chín 500g, đương quy 30g, thục địa 40g, ngâm với 1 lít rượu gạo trong 1 tháng, uống trước bữa ăn. Công dụng: Chữa suy nhược cơ thể, khí huyết hư, phủ tạng chức năng hoạt động kém, người đau ốm dài ngày, kiệt sức do ăn ngủ kém, mất máu sau sinh, sau phẫu thuật, người gầy da xanh xao, chân tay yếu lạnh.

Lá sim bánh tẻ và nụ sim khoảng 20 – 30g, sắc uống hằng ngày chữa ho ra máu do lao phổi, khí huyết hư, phổi thở yếu nói nhỏ…

Ngoài ra, trong trường hợp bị bỏng do nước sôi, bỏng điện, bỏng lửa có thể sử dụng lá sim giã nát, vắt lấy nước cốt đặc bôi lên vết bỏng sau đó đắp bã lên và băng lại. Mỗi ngày thay một lần cho tới khi khỏi.

BS Vũ Quang

(Bệnh viện Châm cứu T.Ư)