Dữ liệu y khoa

Phương pháp ngâm chân hiệu quả trong mùa đông

  • Tác giả : ThS Hoàng Khánh Toàn
(khoahocdoisong.vn) - Theo y học cổ truyền, phương pháp ngâm chân là một liệu pháp trị bệnh thông dụng. Bởi bàn chân là gốc rễ của cơ thể, chứa nhiều huyệt đạo quan trọng, việc ngâm chân sẽ giúp lưu thông khí huyết, tốt cho xương khớp, sạch chân, trừ hàn...

Các công thức ngâm chân

Thời điểm ngâm tốt nhất là trước khi ngủ tối (30 phút - 1h), thời gian ngâm chừng 15 - 20 phút.

Công thức 1: Muối (50g) + nước ấm.

Công thức 2: Gừng (100g) + muối (50g) + nước ấm.

Công thức 3: Lá lốt (100g) + muối (50g) + nước ấm.

Công thức 4: Ngải cứu (100g) + muối (50g) + nước ấm.

Cách làm 2, 3, 4: Gừng, ngải cứu, lá lốt (cả cây-rễ, loại già) rửa sạch, để ráo. Sau đó cho vào 1,5 lít nước đun sôi khoảng 3 phút, khi sôi cho thêm muối vào. Pha thêm nước lạnh hoặc để nước hạ nhiệt đến khoảng 40 độ C thì đổ ra chậu gỗ ngâm chân.

Trong thời gian ngâm, thi thoảng có thể cho thêm nước nóng để duy trì nhiệt độ của nước (lưu ý không để nhiệt độ nước ngâm chân vượt quá 60 độ C để tránh xung nhiệt và gây bỏng da). Khi ngâm nhớ massage chân để đạt tác dụng tốt nhất.

Sau khi ngâm cần lau sạch chân bằng khăn khô, trong ngày lạnh phải ủ ấm chân ngay để tránh lạnh. Sau khi ngâm chân không nên đi ngủ luôn. Bạn nên lau khô chân và cân bằng nhiệt độ cơ thể, sau đó mới lên giường đi ngủ.

Những đối tượng nên sử dụng: Những người bị suy nhược thần kinh, đau đầu, mất ngủ; Người bị bệnh về chân; Những người bị bệnh về xương khớp chân, tê chân lưu thông máu kém; Người bị bệnh chân hay ra mồ hôi, chân có mùi khó chịu; Người làm việc căng thẳng stress…

Những người có thể gặp nguy hiểm lớn khi ngâm chân

1. Người bị tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường có lớp da chân tương đối mỏng, dây thần kinh và bàn chân không còn nhạy cảm nhiều với nhiệt độ. Do đó, họ sẽ khó cảm nhận được chính xác nhiệt độ của nước, mất nhiều cảm giác về nóng nên rất dễ bị bỏng da.

2. Người bị suy giãn tĩnh mạch: Với những người bị giãn hoặc suy tĩnh mạch, việc ngâm chân cũng nên hạn chế. Bởi bàn chân nếu được ngâm trong nước nóng ở nhiệt độ cao sẽ tăng lưu lượng máu cục bộ, tăng gánh nặng lên tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch giãn nở them làm bệnh trầm trọng.

3. Người bị xơ cứng, tắc nghẽn động mạch: Đối với những người có tình trạng máu lưu thông kém, bị tắc nghẽn, nếu ngâm chân sẽ càng làm tăng nguy cơ tắc nghẽn hơn. Nguy hiểm hơn nữa có thể khiến chân hoại tử, phải cắt bỏ.

4. Người bị viêm loét hoặc chân có vết thương: Những người chân có vết thương hoặc viêm loét, nếu không vệ sinh sạch sẽ, lại ngâm chân với các loại lá có thể dẫn tới viêm loét, nhiễm trùng bàn chân…

ThS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)\

ThS Hoàng Khánh Toàn