Dữ liệu y khoa

Phòng tránh Covid-19 với người cao tuổi

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Hiện tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Ý đã lên mức 73 người/1.000 ca nhiễm, tức là gần gấp đôi so với mức 39,7% của Trung Quốc, và cao hơn nhiều so với mức 56,9% của Iran. Đa số các bệnh nhân nhiễm bệnh và tử vong đều lớn tuổi, có sẵn các bệnh nền...

Nguy cơ cao, diễn biến nặng

Hầu hết các ca tử vong ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran và đặc biệt ở Ý... là ở người già, người có bệnh mạn tính đi kèm. Đa số người bệnh tử vong trên 70 tuổi. 

Tại Việt Nam đang điều trị cho hai bệnh nhân Covid-19 nặng. Cụ thể, một bệnh nhân người Anh, 69 tuổi, mắc đái tháo đường typ 2, tăng huyết áp đã được đặt máy thở, lọc máu, hồi sức tích cực. Bệnh nhân thứ 2 là người Việt, 64 tuổi, có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình, bị suy hô hấp được chỉ định đặt ống khí quản, thở máy, hồi sức tích cực, lọc máu...

TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đối với những bệnh nhân Covid-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mạn tính như: Tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mãn tính… thì thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus.

Giải thích về vấn đề này, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể của người cao tuổi cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác.

Khi người cao tuổi mắc bệnh thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính như suy gan, suy thận, suy đa tạng làm phức tạp việc điều trị.

Uống đủ thuốc, tăng cường dinh dưỡng

TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương khuyên, để đảm bảo phòng chống được dịch bệnh Covid-19, người cao tuổi có nhiều bệnh lý thì trước hết các bệnh lý phải được kiểm soát tốt, kiểm soát bằng thuốc, bằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Khi có các triệu chứng bệnh phải đi khám ngay để có các biện pháp điều trị cũng như cách ly kịp thời.

Về dinh dưỡng, ngoài chế độ ăn dành cho các bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp… để phòng chống dịch bệnh, người cao tuổi phải ăn uống đủ chất. Đủ chất ở đây là đảm bảo được các chất dinh dưỡng nhiều calo như đạm, mỡ…để cung cấp năng lượng cho bệnh nhân chống đỡ với bệnh tật. Ngoài ra, các chất vi lượng như vitamin, chất khoáng cũng phải cung cấp đủ, đồng thời, phải uống đủ nước.

Việc tập thể dục là một thói quen tốt nhưng cần tránh tập sớm khi thời tiết lạnh. Tốt nhất người cao tuổi nên hạn chế đi ra ngoài. Khi phải đi cần có những biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, đảm bảo đủ ấm và tránh thì tránh tụ tập đông người, kể cả không nên tụ tập để thể dục.

GS.TS Trần Văn Thuấn. Giám đốc Bệnh viện K cảnh báo, các thuốc điều trị ung thư, đặc biệt là các thuốc sử dụng trong hóa trị có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch nên nếu người bệnh bị sốt khi điều trị nhưng không có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc gần với người nghi nhiễm Covid-19 thì không có gì phải lo lắng. Nếu biểu hiện bất thường, người bệnh hãy liên lạc với bác sĩ điều trị và tuân thủ các hướng dẫn.

Đặc biệt, dù nguyên tắc và các phương pháp dự phòng Covid-19 không có gì khác biệt so với người bình thường, nhưng người bệnh ung thư cần thực hiện một cách triệt để và nghiêm ngặt hơn. Cụ thể là: Tránh tiếp xúc với nguồn lây, nơi đông người; Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng hay các vật dụng, bề mặt nơi công cộng; Thường xuyên rửa tay đúng quy trình, nên đeo khẩu trang khi đến chỗ công cộng; Sử dụng khăn giấy nếu ho hoặc hắt hơi hoặc ho, hắt hơi vào khuỷu tay chứ không phải bàn tay của mình…
 

Thúy Nga