Thế giới

Phòng không Ukraine điêu đứng vì mồi bẫy của Su-57 và UAV Nga

  • Tác giả : Theo Hoàng Phạm/VOV.VN
Nhà phân tích quân sự người Nga Aleksey Mikhailov cho hay, quân đội Nga đã áp dụng một chiến lược tập kích mới nhằm vào các hệ thống phòng không Ukraine.

Theo đó, Moscow đang tiến hành các cuộc tấn công phối hợp nhằm vào các hệ thống như Patriot, IRIS-T, NASAMS và MIM-23 Hawk ở Ukraine bằng cách sử dụng máy bay không người lái (UAV) mồi nhử và phóng tên lửa hành trình từ máy bay chiến đấu Su-57 Felon ngoài tầm nhìn.

Su-57 va UAV moi bay cua Nga khien phong khong Ukraine dieu dung

Tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57. Ảnh: TASS

Đoạn video xuất hiện trên Telegram và mạng xã hội Nga cho thấy máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, Su-57 được cho là đang bay ở khu vực Biển Azov và mang theo tên lửa hành trình Kh-59M2.

Cũng vào khoảng thời gian đó, phòng không Ukraine đã phải chịu tổn thất đáng kể. Cụ thể, đêm 19 rạng sáng 20/10, hệ thống MIM-23 Hawk đã bị tấn công. Người ta nghi ngờ rằng chiếc Su-57 xuất hiện trên Biển Azov đóng vai trò trong cuộc tấn công này, sử dụng tên lửa hành trình để phá hủy mục tiêu.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Nga không chính thức công bố về cuộc tấn công, nhưng nguồn tin trực tuyến của Ukraine cho hay, hệ thống phòng không MIM-23 Hawk do Tây Ban Nha cung cấp bất ngờ bị một tên lửa hành trình bắn trúng. Một số bệ phóng và radar đã bị vô hiệu hóa, và các thành phần khác của hệ thống bị hư hại.

Trước đó, hệ thống phòng không Patriot do Mỹ cung cấp, đặt gần Kharkov, cũng bị các lực lượng Nga nhắm tới.

Phân tích của ông Mikhailov chỉ ra rằng lực lượng hàng không vũ trụ Nga cũng đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống phòng không Ukraine ở các thành phố chiến lược quan trọng như Dnipro và Zaporizhzhia.

“Trong hầu hết trường hợp, các cuộc tấn công hoàn toàn bất ngờ”, ông Mikhailov lưu ý.

Phòng không Ukraine đã thích ứng với Kh-31

Trước đây, lực lượng hàng không vũ trụ Nga thường sử dụng tên lửa Kh-31 để nhắm vào các hệ thống phòng không của Ukraine. Kh-31 được trang bị đầu dẫn đường cực nhạy có khả năng phát hiện tín hiệu từ radar phòng không. Với tốc độ đối đa trên Mach 3 (gấp 3 lần vận tốc âm thanh), tên lửa Kh-31 có thể tấn công các mục tiêu ở xa chỉ trong vài phút.

Nga chủ yếu sử dụng Su-35 và Su-30SM để phóng tên lửa Kh-31. Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần công bố video cho thấy máy bay Su-35 hoạt động ở Quân khu phía Bắc. Ngay cả trong các cuộc tuần tra trên không theo thường lệ, những máy bay này cũng cất cánh với ít nhất một tên lửa Kh-31.

Theo chuyên gia Mikhailov, kể từ khi xung đột bùng phát, các máy bay chiến đấu và tên lửa Kh-31 của Nga đã phá hủy hàng chục tổ hợp và hệ thống phòng không cũng như nhiều trạm radar của Ukraine.

Tuy nhiên, lực lượng Ukraine đã dần thích ứng và tìm ra cách giảm tổn thất từ “sát thủ phòng không” siêu thanh của Nga.

Kh-31 xác định vị trí phòng không đối phương thông qua phát xạ radar. Tuy nhiên, đầu đạn của tên lửa không đủ mạnh để tác động toàn bộ khu vực trận địa phòng không đối phương. Do vậy, kíp vận hành của Ukraine đã cố gắng hạn chế các hoạt động radar đồng thời phân tán vị trí các bệ phóng.

Trong các hệ thống phòng không phương Tây hiện đại như Patriot, IRIS, SAMP và NASAMS, Ukraine sử dụng tên lửa có đầu đạn dẫn đường chủ động. Các hoạt động chống lại máy bay Nga chủ yếu dựa trên dữ liệu từ các hệ thống trinh sát điện tử và thông tin mục tiêu từ máy bay cảnh báo sớm trên không (AWACS) của NATO, gần như liên tục tuần tra xung quanh khu vực xung đột.

“Rõ ràng là chiến thuật này không cho phép phòng không Ukraine giao chiến hiệu quả với máy bay chiến đấu của Nga. Tuy nhiên, mục tiêu của Kiev không phải là bảo vệ lực lượng của mình khỏi các cuộc không kích mà là gây ra càng nhiều tổn thất cho lực lượng hàng không vũ trụ Nga càng tốt”, Mikhailov tuyên bố.

Đồng thời, Ukraine cũng đang phải triển khai toàn bộ kho vũ khí phòng không để đẩy lùi các cuộc tấn công từ tên lửa hành trình tầm xa và UAV (Geran-2 và Gerber). Mọi thành phần của hệ thống phòng không Ukraine hoạt động với hiệu suất tối đa. Radar phát hiện mục tiêu cho tên lửa đất đối không đánh chặn và tất cả các bệ phóng tiêu chuẩn đều được sử dụng.

Tầm bắn của tên lửa Kh-31 thường không đủ để tiếp cận vị trí chính của phòng không Ukraine. Mặt khác, phòng không Ukraine cũng tối đa hóa khả năng cơ động và nhanh chóng thay đổi vị trí.

Nga tung chiến thuật mới khiến Ukraine điêu đứng

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 10, hiệu quả các cuộc tấn công bằng của UAV Geran-2 (còn gọi là UAV Shahed) và Gerber của Nga tăng lên đáng kể. Chúng gây ra tổn thất nặng nề cho các cơ sở quân sự và công nghiệp quan trọng của Ukraine.

Cuối tuần trước, truyền thông Ukraine công bố hình ảnh về một UAV mới của Nga. Mẫu UAV này không mang đầu đạn. Thay vào đó, nó chứa một số quả bóng được bọc trong giấy bạc với họa tiết đặc biệt. Trong vật lý, chúng được gọi là “thấu kính Luneburg”.

“Thấu kính Luneburg” được sử dụng để tăng độ phản xạ radar của mục tiêu mà không cần sử dụng thêm năng lượng. Khi đó, trên màn hình radar một chiếc UAV nhỏ sẽ trở thành mục tiêu lớn hơn nhiều so với thực tế của nó.

Từ các bộ phận của UAV nói trên, Ukraine cho hay nó có tên là “Parody”. Theo quân đội Ukraine, từ đầu tháng 10, mọi cuộc đột kích của Nga sử dụng UAV Geran-2 và Gerber đều đi kèm với các vụ phóng mồi nhử Parody hàng loạt. Trong một số trường hợp, có 1 hoặc 2 mồi nhử cho mỗi UAV tấn công.

Kể từ đầu mùa thu, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga, chẳng hạn như Su-57, cũng đã nổi lên như một thách thức nghiêm trọng đối với Ukraine. Những máy bay này được bố trí ngày càng gần khu vực xung đột.

“Su-57 cất cánh từ các sân bay, nhanh chóng đạt độ cao và hướng đến khu vực được chỉ định. Nhờ khả năng độc đáo của mình, những máy bay này hầu như tàng hình đối với các máy bay AWACS của NATO và radar mặt đất của Ukraine”, ông Mikhailov phân tích.

Đồng thời, Su-57 mang theo tên lửa Kh-69. Những vũ khí tiên tiến này gần đây đã bắt đầu được lực lượng hàng không vũ trụ Nga sử dụng rộng rãi.

Tên lửa Kh-69 dễ dàng lắp vào khoang bên trong của Su-57. Một tính năng quan trọng của Kh-69 là nó có thể lắp nhiều loại đầu đạn khác nhau. Tùy thuộc vào nhiệm vụ cụ thể, tên lửa này có thể gắn đầu đạn chùm hay đầu đạn đơn hoặc các loại đầu đạn chuyên dùng để xuyên phá boongke, sở chỉ huy ngầm.

Các chi tiết liên quan đến UAV mồi bẫy và Su-57 cho thấy, Nga đang áp dụng chiến thuật mới.

Ngoài việc sử dụng Geran-2 và Gerber, lực lượng hàng không vũ trụ Nga còn tích cực triển khai UAV mồi bẫy Parody. Do đó, ngay cả một cuộc tập kích tương đối nhỏ của UAV kamikaze Nga cũng sẽ biến thành cuộc tấn công lớn vào lực lượng phòng không Ukraine.

Khi đó, gần như tất cả các hệ thống và tổ hợp phòng không có sẵn đều được triển khai. Lúc này, Su-57 sẽ được đưa vào trận, thực hiện các cuộc tấn công tên lửa bất ngờ và gần như không thể phát hiện bằng tên lửa Kh-69. Do đầu đạn có sức công phá mạnh, Kh-69 sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn đáng kể cho các bệ phóng và radar phòng không Ukraine so với Kh-31.

Theo Mikhailov, về cơ bản, Ukraine không có cách nào để ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy. Họ sẽ phải giảm đáng kể hoạt động phòng không trong các cuộc tập kích của Geran-2 và Gerber hoặc tiếp tục mất các hệ thống phòng không phương Tây trị giá hàng triệu USD.

Theo Hoàng Phạm/VOV.VN