Nhiều tác dụng phụ cần quan tâm
Tác dụng phụ này cần phải được quan tâm bởi nó không chỉ gây ảnh hưởng đến các chức năng quan trọng của con người đó là nhai, cười và nói, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mà về lâu dài còn có thể ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân, đặc biệt trên những bệnh nhân vảy nến nặng hay viêm da cơ địa, vốn đã rất mặc cảm về ngoại hình, tất cả góp phần làm xấu đi toàn trạng chung cũng như sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Vì lẽ đó, việc tầm soát và điều trị sớm tác dụng phụ này ở bệnh nhân điều trị cyclosporin A là khá quan trọng.
CsA được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận chỉ định trong vảy nến nặng; vảy nến kháng trị.
Tác dụng phụ quan trọng nhất là độc thận và tăng huyết áp. Nguy cơ bị 2 tác dụng phụ này tăng theo liều và thời gian dùng thuốc.
Các tác dụng phụ khác: đau đầu, dị cảm, rậm lông, tăng kali máu, tăng acid uric máu, rối loạn lipid máu: tăng cholesterol, LDLC, triglycerid, ung thư da không phải melanoma, lymphoma, phì đại lợi…
Phì đại lợi (hay quá sản lợi) do cyclosporin (Overgrowth of Gingiva Induced by Cyclosporine A, OGIC) gặp ở khoảng 25% đến 81% bệnh nhân sử dụng cyclosporin và thường biểu hiện trong vòng 6 tháng đầu kể từ khi bắt đầu điều trị. Ngoài ra, có tới 90% bệnh nhân được ghép tạng điều trị bằng cyclosporin A có phì đại lợi.
Cơ chế chính xác của phì đại lợi do cyclosporin vẫn chưa được biết, mặc dù một số giả thiết đã được đưa ra, chẳng hạn như sự điều hòa làm tăng biểu hiện của các cytokine viêm trong nước bọt, bao gồm IL-1α, IL-6, và IL-8; tăng sinh nguyên bào sợi của lợi và tế bào thượng bì; và ức chế quá trình chết theo chương trình của tế bào lợi.
Phì đại lợi do cyclosporin đặc trưng bởi sự mở rộng của nhú lợi trùm lên thân răng, biểu hiện rõ hơn ở mặt môi của răng so với mặt lưỡi và mặt vòm miệng của răng.
Tình trạng mảng bám, viêm nha chu và chảy máu cũng có thể xuất hiện.
Các chẩn đoán phân biệt bao gồm u hạt ở miệng, sarcoidosis, bệnh u hạt viêm đa mạch, phì đại lợi trong bệnh bạch cầu nguyên bào tủy cấp và bệnh scurvy. Việc khai thác kỹ tiền sử và khám toàn thân tỉ mỉ, cùng với mô bệnh học là cần thiết để chẩn đoán sớm và chính xác.
Phì đại lợi độ III ở một học sinh trung học sau khi sử dụng 18 tháng cyclosporin A liều 150-250mg/ngày để điều trị thiếu máu bất sản (Nguồn Sheetanshu Kumar). |
Điều trị để tránh ảnh hưởng đến tâm lý
Phì đại lợi có thể gây ra những hậu quả: Tích tụ mảng bám vi khuẩn; Chảy máu lợi; Viêm nha chu, đặc biệt là ở vùng trước hàm trên và hàm dưới; Vấn đề về thẩm mỹ; Có thể hạn chế đáng kể các hoạt động chức năng như nhai, cười và nói. Lâu dần có thể dẫn đến các vấn đề về tâm lý.
Để điều trị cần: Đổi thuốc hoặc giảm liều cyclosporin; Vệ sinh răng miệng; Cắt bỏ mô lợi tăng sản (Gingivectomy) bằng phẫu thuật, laser CO2, YAG, hoặc laser diode; Laser cường độ thấp (LLLT), laser diode điều biến quang sinh học và laser bước sóng kép (904/650 nm).
Tuy nhiên, thực tế lâm sàng cho thấy, nhiều trường hợp không thể giảm liều hoặc ngừng thuốc CsA. Các loại thuốc thay thế khác cũng có tác dụng phụ riêng. Các quy trình vệ sinh răng miệng đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc kiểm soát OGIC, nhưng không thể ức chế sự phát triển của nó.
Can thiệp phẫu thuật được một số tác giả cho rằng chỉ nên chỉ định cho các trường hợp quan tâm nhiều về vấn đề thẩm mỹ. Nhưng các khuyến cáo khác lại cho rằng, nên chỉ định cho những bệnh nhân phì đại lợi từ trung bình đến nặng mà không cải thiện khi đã giảm liều CsA, duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách hoặc sau một đợt điều trị ngắn kháng sinh. Các phương pháp này có hiệu quả và giúp vết thương nhanh lành chỉ với cảm giác khó chịu nhẹ. Nhìn chung, khi bệnh nhân không thể ngừng hoặc thay thế thuốc cũng như các biện pháp dự phòng không thành công, thuật cắt bỏ mô lợi lúc này vẫn là lựa chọn điều trị duy nhất.
Laser cường độ thấp (LLLT), laser diode điều biến quang sinh học và laser bước sóng kép (904/650 nm) cũng ghi nhận lợi ích hỗ trợ.
Các bệnh nhân cần thiết hội chẩn với nha sĩ cũng như khuyến cáo bệnh nhân khám nha khoa 3 tháng một lần.
Phát hiện sớm các vấn đề về tâm lý do phì đại lợi gây ra cho bệnh nhân để hội chẩn sớm với các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, không để toàn trạng chung của bệnh nhân trở nên xấu đi.
ThS.BS Trịnh Ngọc Phát (Bệnh viện Da liễu TƯ)