Y học và đời sống

Phẫu thuật nội soi tạo hình xương con chữa điếc

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Là bệnh viện thuộc tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh (Nghệ An) đã triển khai kỹ thuật tiên tiến: nội soi vá nhĩ và tạo hình xương con bằng trụ gốm sinh học – vốn chỉ được thực hiện ở tuyến Trung ương.

Ảnh: Ca phẫu thuật nội soi thay xương con cho bệnh nhân tại Bệnh viện TP Vinh

Tổn thương chuỗi xương con thường gặp

Gặp bệnh nhân Lê Nguyễn Đình Q. 13 tuổi (Nghệ An) sau 1 ngày em được phẫu thuật tạo hình xương con, tai vẫn còn bị băng kín nhưng em cho biết đã nghe rõ hơn trước rất nhiều.

BSCKII Phạm Văn Sơn, Phó giám đốc, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa TP Vinh cho biết, Q. bị dị hình xương con làm gián đoạn đường dẫn truyền, vì vậy cháu nghe rất kém. Nếu không phẫu thuật sớm có thể dẫn tới điếc. 

Mới đây bệnh viện cũng đã mổ cho một trường hợp 55 tuổi bị viêm tai giữa tái đi tái lại nhiều, dẫn tới nghe kém. Ngoài ra, bệnh nhân còn đau cả 2 bên tai, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, cảm giác đầy tai 1 hay cả 2 bên. Sau phẫu thuật vá màng nhĩ và tạo hình xương con, bệnh nhân nghe tốt và hết các triệu chứng khó chịu.

Theo BS CKII Sơn, tổn thương chuỗi xương con rất thường gặp trong các bệnh lý tai giữa như: Viêm tai giữa, xơ nhĩ, xẹp nhĩ, xốp xơ, chấn thương hoặc dị hình tai giữa... Những tổn thương này thường gây điếc dẫn truyền nặng làm ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ và trí tuệ.

Xương con được tạo hình trong tai

Xương con được tạo hình trong tai

Nghe tốt và tránh tái phát viêm tai giữa

Theo BSCKII Phạm Văn Sơn, viêm tai giữa thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi. Bệnh thường biểu hiện cấp tính có thể khỏi hoàn toàn sau một đợt điều trị thích hợp, nhưng cũng có thể trở thành mạn tính và gây nên nhiều biến chứng nặng: Viêm tai giữa chảy mủ mạn tính, thủng màng nhĩ, viêm xương chũm, liệt mặt ngoại vi, nghe kém hoặc mất thính lực, các biến chứng nội sọ (viêm não, viêm màng não, áp xe màng não, áp xe não, tắc tĩnh mạch não..), cholesteatoma (là tình trạng tổ chức mọc lạc vào tai giữa gây nhiễm trùng tái phát, khó điều trị)....

Viêm tai giữa trước đây chủ yếu điều trị nội khoa, phẫu thuật cũng chỉ chữa viêm và ngăn ngừa biến chứng, ít bảo tồn chức năng do hạn chế về phương tiện và vật liệu thay thế xương con.Trụ để thay thế xương con có rất nhiều chất khác nhau như: sụn, mảnh xương chũm hoặc chính phần còn lại của chuỗi xương con. Việc sử dụng các chất liệu này có nhược điểm căn bản là bệnh nhân bắt buộc phải gây mê kéo dài chờ phẫu thuật viên tạo hình trụ dẫn thay thế xương con. Vì thời gian hạn hẹp nên phẫu thuật viên khó tạo được một trụ dẫn hoàn chỉnh có đủ khớp nối để kết nối với xương con còn lại. Nhiều trường hợp sức nghe không được cải thiện do hiện tượng xơ dính hoặc trật khớp xương con sau phẫu thuật. Một số nơi có sử dụng trụ dẫn bằng titan, teflon nhưng chất liệu này có giá thành rất đắt.

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh đã sử dụng vật liệu bằng trụ gốm sinh học có ưu điểm vượt trội hơn so với các vật liệu khác. Trụ gốm sinh học được sản xuất trong nước, được làm sẵn dựa trên những nghiên cứu kích thước xương con của người Việt Nam nên kết nối liên hoàn và chắc chắn với hệ thống xương con còn lại. Giá thành rẻ, lại rất thuận tiện và nhanh chóng, bác sĩ chỉ cần mài cho phù hợp với từng người bệnh. Đặc biệt, trụ gốm này sống được trong cơ thể con người, tạo được liên kết đối với niêm mạc của cơ thể nên không bị đào thải…

 Sau phẫu thuật tạo hình xương con cần phải nghỉ ngơi, không được làm việc nặng, không được dùng nhiều sức và chơi thể dục thể thao, nhất là các vận động mạnh.  Bởi cơ thể cần có thời gian thích nghi và dần dần niêm mạc mới bao quanh, cố định trụ gốm. Vì vậy, nếu bệnh nhân vận động mạnh hay gắng sức quá độ có thể khiến cho các khớp nối rời ra, trụ gốm không còn ở vị trí như mong muốn. Bệnh nhân cũng ăn thức ăn mềm, hạn chế nhai và tránh những loại thức ăn dễ gây dị ứng hay đồ uống lạnh…

Thúy Nga