Sống xanh

Phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng công nghệ qua dự án “Lúa gạo – Nguồn năng lượng xanh mới”

  • Tác giả : Hương Giang
Ngày 10/12, tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn (SHTP) TPHCM, buổi ký kết hợp tác giữa Sanofi Việt Nam và Công ty Cổ phần Công nghệ Nano BSB (BSB Nanotech) cho dự án “Lúa gạo – Nguồn năng lượng xanh mới” đã được diễn ra.

Đây là bước tiến đánh dấu sự đồng hành của BSB Nanotech với vai trò đối tác chiến lược, trong mục tiêu tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn mới, biến nguồn nguyên liệu tro trấu từ thóc gạo thành silica tinh khiết phục vụ cho sản xuất dược phẩm, đồng thời giúp giảm lượng phát thải khí CO2 tại Việt Nam.

ong-emin-turan-tong-giam-doc-sanofi-viet-nam-kiem-giam-doc-dieu-hanh-nhom-thuoc-tong-quat-chia-se-tam-nhin-cua-sanofi-ve-dinh-huong-phat-trien-ben-vung-tai-viet-nam.jpg
Ông Emin Turan, Tổng Giám đốc Sanofi Việt Nam kiêm Giám đốc Điều hành nhóm Thuốc Tổng Quát chia sẻ tầm nhìn của Sanofi về định hướng phát triển bền vững tại Việt Nam.

Trong nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường, Tập đoàn Sanofi đã phát động một chương trình toàn cầu, tài trợ 80 tỷ đồng để hỗ trợ cho các dự án có tác động tích cực đến môi trường. Dự án “Lúa Gạo – Nguồn năng lượng xanh mới” của Sanofi Việt Nam đã đạt giải nhất trong chương trình trên.

Trấu thường được xem là chất thải. Nhưng trong dự án này, trấu lại trở thành nguồn nhiên liệu sinh khối có thể dùng để thay thế nhiên liệu hóa thạch trong hầu hết các ngành sản xuất. Nhà máy Sanofi Việt Nam đặt tại SHTP sẽ thay thế lò hơi đốt dầu diesel bằng lò hơi đốt sinh khối trấu và loại bỏ 2,3 nghìn tấn khí thải CO2/năm.

Mô hình này được kỳ vọng sẽ tiên phong thúc đẩy các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam tìm kiếm các giải pháp thay thế nhiên liệu diesel, góp phần giảm đáng kể lượng phát thải khí CO2 trên toàn quốc.

Tháng 9/2021, Sanofi đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững của GIZ tại Việt Nam (Dự án BEM), hợp tác triển khai dự án “Lúa Gạo - Nguồn năng lượng xanh mới”. Với bề dày kinh nghiệm và mạng lưới chuyên sâu về hệ sinh thái năng lượng sinh học tại Việt Nam, GIZ là cố vấn kỹ thuật, đề xuất các giải pháp hiện thực hóa dự án.

ong-nguyen-viet-hung-tong-giam-doc-cong-ty-bsb-nanotech-phat-bieu-tai-su-kien-ky-ket..jpg
Ông Nguyễn Việt Hùng, Tổng Giám đốc Công ty BSB Nanotech phát biểu tại sự kiện ký kết.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Tổng Giám đốc Công ty BSB Nanotech cho biết: BSB Nanotech sở hữu công nghệ sản xuất nano silica từ trấu và là công ty đầu tiên trên thế giới biến trấu thành nano silica ở quy mô công nghiệp với nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau. “Lúa gạo - Nguồn năng lượng xanh mới” với công nghệ tiên phong của BSB Nanotech là một dự án kinh tế tuần hoàn bền vững và khẳng định hiệu quả vượt trội của mô hình hợp tác quốc tế giải pháp công nghệ toàn diện.

ong-eric-auschitzky-giam-doc-nha-may-sanofi-viet-nam-va-ong-nguyen-viet-hung-dai-dien-bsb-nanotech-ky-ket-hop-tac(1).jpg
Ông Eric Auschitzky, Giám đốc Nhà máy Sanofi Việt Nam và ông Nguyễn Việt Hùng, đại diện BSB Nanotech ký kết hợp tác.

Việc sản xuất silica từ chất thải nông nghiệp mang lại nhiều lợi thế về môi trường, kỹ thuật, công nghệ và thương mại hơn so với các phương pháp sản xuất silica từ cát và thạch anh thông thường, đặc biệt đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế ESG (Environment–Society-Governance: Môi trường - Cộng đồng - Quản trị) đang được các nhà đầu tư toàn cầu quan tâm đặc biệt.

Là đối tác của dự án, BSB Nanotech sẽ hỗ trợ Sanofi ứng dụng giải pháp công nghệ đốt phù hợp để tách tro trấu thành silica cao cấp sử dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau, kể cả ứng dụng trong ngành Dược, tạo giá trị gia tăng cho dự án với nguyên lý hoạt động của một giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Hương Giang