Giải pháp

Phát triển gạch không nung: Rẻ nhưng phải bền

  • Tác giả : Trần Hòa
(khoahocdoisong.vn) - Để thay thế cho gạch đỏ, hiện nay việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm gạch không nung (GKN) đã được quy định trong nhiều chính sách.

Tuy nhiên, việc phát triển loại gạch này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tận dụng nguyên liệu phế thải

Trong những năm gần đây, nhằm nâng cao chất lượng ngành sản xuất gạch đồng thời hướng tới mục tiêu sản xuất bền vững, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan đã đẩy mạnh triển khai dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”.

Dự án GKN ở nước ta bắt đầu tiến hành từ năm 2015.

Dự án GKN ở nước ta bắt đầu tiến hành từ năm 2015.

Vật liệu được sử dụng để sản xuất gạch không nung là các loại vật liệu bị thải loại qua các quá trình gia công, sản xuất khác nhau, luôn sẵn có và rẻ tiền, do đó doanh nghiệp có thể tiết kiệm một khoản lớn chi phí nguyên vật đầu vào.

Một số loại nguyên liệu điển hình đó là: Xỉ than từ các loại lò hơi, lò điện, lò nhiệt luyện do các nhà máy công nghiệp thải ra; xỉ quặng thải từ các ngành công nghiệp khai khoáng thải ra; đất thải sau sàng lọc từ các khu công nghiệp, khu dân cư; cát sông, bột đá, đá vụn…

“Dự án có mục tiêu là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng GKN ở Việt Nam. Mức phát thải khí nhà kính (KNK) trực tiếp ước tính là 383 ktonnes CO2. Mức giảm phát thải KNK gián tiếp ước tính đạt 13.409 ktonnes CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc”, ông Đỗ Giao Tiến – Quản đốc Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng GKN ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chi phí đầu tư sản xuất gạch không nung thấp hơn nhiều so sản xuất gạch nung. Chi phí đầu tư sản xuất gạch không nung bao gồm: đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung và đầu tư nhà xưởng.

Nhiều tỉnh thành đã sản xuất, tiêu thụ GKN.

Nhiều tỉnh thành đã sản xuất, tiêu thụ GKN.

Lợi về kinh tế, sạch cho môi trường

Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu lắp đặt loại dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động với năng suất từ 12.000 viên/ngày/8 tiếng làm việc. Giá dây chuyền sản xuất gạch không nung dao động trong khoảng trên dưới 500 triệu đồng. Đây là loại dây chuyền sản xuất GKN tự động hoàn toàn từ khâu nạp liệu đến khi ra gạch.

Máy có thể sản xuất nhiều loại gạch khác nhau theo nhu cầu sản xuất từng nơi chỉ cần thay khuôn ép. Trong khi đó, để đầu tư một nhà máy sản xuất gạch nung nhỏ nhất người đầu tư sẽ phải bỏ ra số tiền gấp ít nhất 3 lần như thế. Đối với đầu tư sản xuất gạch bê tông nhẹ thì giá thành lên đến vài tỉ đồng.

Quan trọng hơn, thông qua việc bỏ qua công đoạn nung gạch, doanh nghiệp có thể cắt giảm một lượng lớn khí nhà kính thải ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến xây dựng mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững.

Theo Ban quản lý dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, thông qua việc sản xuất gạch không nung, tính đến năm 2019 tổng mức giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp có thể lên đến 383 ktonnes CO2.

Hiện nay, sau 4 năm thực hiện dự án, nước ta đã có khá nhiều nhà cung cấp dịch vụ và cung ứng GKN ở địa phương với năng lực chuyên môn và tay nghề kỹ thuật cao. Nhiều quyết định, thông tư, chỉ thị được ban hành để khuyến khích người dân sử dụng GKN. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc phát triển GKN còn nhiều khó khăn.

Các chuyên gia đánh giá sản xuất GKN đem lại hiệu quả cho cả kinh tế và môi trường.

Các chuyên gia đánh giá sản xuất GKN đem lại hiệu quả cho cả kinh tế và môi trường.

Quan trọng là chất lượng

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng cho rằng, nếu muốn đưa GKN ứng dụng rộng rãi vào thực tế thì giá cả phải hấp dẫn và thông tin phải đến người sử dụng một cách đầy đủ.

Theo Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP quản lý vật liệu xây dựng đã có các ưu đãi đầu tư cho dự án sản xuất vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000 kg/m3) có công suất cho một dây chuyền từ 50.000 m3/năm trở lên; dự án sản xuất gạch bê tông (gạch xi măng – cốt liệu) có công suất cho một dây chuyền từ 10 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên.

Bên cạnh đó, còn được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định và hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; được hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ đối với các dự án đầu tư có chi phí chuyển giao theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ…

Trong tương lai gần, GKN sẽ thay thế gạch đỏ.

Trong tương lai gần, GKN sẽ thay thế gạch đỏ.

Bàn về giải pháp phát triển GKN tại Việt Nam, PGS.TSKH Bạch Đình Thiên – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới, Trường Đại học Xây dựng cho rằng: Để GKN mà cụ thể là gạch bê tông đảm bảo chất lượng, chúng cần đảm bảo nguyên liệu: xi măng, cốt liệu, phụ gia khoáng, phụ gia hoá học và nước đảm bảo chất lượng; thành phần phối liệu hợp lý đảm bảo mác thiết kế; quá trình trộn với độ đồng nhất cao; tạo hình trên thiết bị rung ép được lèn chặt tốt; độ đồng đều các viên gạch trong một lần ép cao; được bảo dưỡng trong môi trường ẩm bão hoà đến khi ổn định thể tích.

“Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng GKN ở Việt Nam” với 4 hợp phần được “chạy” rất hiệu quả và đã được các chuyên gia Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá tốt. Trong thời gian tới, dự án cần đẩy mạnh và triển khai tốt hơn nữa công tác đào tạo và truyền thông nhằm tăng cường nhận thức về vấn đề này”, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ .

Trần Hòa