Các chuyên gia cho rằng những kẻ trộm mộ và buôn bán cổ vật đã khai quật xác ướp 2.000 năm tuổi này. Bằng chứng là xác ướp đã bị mổ bụng, trước khi bị vứt ở bãi rác.
Mới đây, các chuyên gia đã phát hiện ra một xác ướp khoảng 2.000 năm tuổi bị lẫn trong rác ở thủ đô Sanaa, Yemen và phần bên trong đã bị xé toạc. Xác ướp trong tư thế nằm cuộn tròn như bào thai, được bọc trong bộ da động vật theo truyền thống ướp xác thời đó.
Theo phán đoán của các chuyên gia những kẻ trộm mộ và buôn bán cổ vật đã khai quật xác ướp này. Bằng chứng là xác ướp đã bị mổ bụng, trước khi bị vứt ở bãi rác.
Hiện xác ướp 2.000 năm tuổi "đáng thương" này đã được đưa đến Bảo tàng quốc gia ở Sanaa để bảo quản. Các chuyên gia sẽ có biện pháp xử lý để ngăn chặn sự thối rữa vì vi khuẩn bắt đầu xâm nhập.
Tổ chức Cổ vật và Bảo tàng Yemen cho biết, xác ướp vừa tìm thấy ở bãi rác có thể có từ thế kỷ III trước Công nguyên, có nghĩa là người này đã sống vào thời kỳ Vương quốc Saba huyền thoại, nơi được cho là vùng đất của vua Solomon và nữ hoàng Sheba.
Nhà bảo tàng Đại học Sanaa (thủ đô Yemen) là nơi gìn giữ bộ sưu tập xác ướp hàng ngàn năm tuổi, minh chứng cho nền văn minh ít được biết đến của “Arabia Felix (Arabia hạnh phúc)” - tên gọi cổ của Yemen - vào năm 400 TCN.
Trong suốt nhiều thập niên, những thi hài cả nam lẫn nữ được ướp hương thơm ngát, trong đó một số vẫn còn răng và tóc thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch và giới khảo cổ tìm đến Yemen.
Nhưng ngày nay với tình trạng nguồn điện chập chờn và các cảng bị phong tỏa do nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân Houthi, số phận của bộ sưu tập độc đáo này đang bị đe dọa hết sức nghiêm trọng.
Việc bảo quản khá cầu kỳ, yêu cầu một môi trường kiểm soát nhiệt độ, vệ sinh sáu tháng một lần và bổ sung các hóa chất bảo quản. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chiến sự liên miên, điều kiện bảo quản, vệ sinh và chăm sóc các xác ướp này đều không đạt tiêu chuẩn.
Các nhà khoa học đang hết sức cố gắng để giữ gìn những di sản vô giá này song một số xác ướp đã bắt đầu xuống cấp.
Các nhà khảo cổ học Yemen đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế hỗ trợ việc bảo quản các xác ướp bằng cách nới lỏng lưu thông nhu yếu phẩm và tăng nhân sự tuy nhiên chưa bao giờ nhận được sự hồi đáp.
Từ thành phố cổ Palmyra ở Syria cho đến Sanaa, các điểm khảo cổ và nhà bảo tàng trong khu vực Trung Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những cuộc xung đột bạo lực mà không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Thành cổ và thủ đô Sanaa của Yemen chính thức được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của Tổ chức UNESCO từ năm 1986 nhưng hiện đang gặp nguy hiểm do cuộc nội chiến bùng nổ năm 2015 tại quốc gia này.