Dữ liệu y khoa

Phát biểu sai sự thật về sữa mẹ gây tranh cãi

  • Tác giả : PV
Thông tin hơn 90% mẫu xét nghiệm sữa mẹ chưa đạt mức tối ưu theo tiêu chí dinh dưỡng như thiếu chất béo, vi chất, dư nước… ghi nhận tại một hệ thống phòng khám là sai sự thật.

Người phát ngôn lại là PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Giám đốc y khoa miền Bắc của một hệ thống phòng khám dinh dưỡng. Theo bà, qua xét nghiệm sữa mẹ đến phòng khám, ghi nhận có hơn 90% có nguồn sữa chưa đạt mức tối ưu theo đầy đủ các tiêu chí.

Thường gặp nhất là các trường hợp sữa mẹ bị thừa đường lactose, dư nước nhưng thiếu chất béo (lipid), thiếu các vi chất như kẽm, sắt, canxi...

GS.TS Lê Danh Tuyên - viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ, ông đã gửi thư ngỏ về nhận định của PGS Mai: "Tôi đã thực sự thất vọng khi đọc dòng chữ 90% bà mẹ đi xét nghiệm sữa mẹ đều thiếu đủ thứ. Nếu thế, chắc các bà mẹ cho con uống sữa bò hết và bỏ sữa mẹ ngay trong 24 tháng sau sinh.

Theo ông Tuyên, trong nghiên cứu khoa học, cần đảm bảo tập hợp đủ các bằng chứng theo cách đủ độ khoa học về cỡ mẫu, chọn mẫu, thiết kế nghiên cứu, phương pháp thu thập số liệu… mới được phép đưa ra những kết luận đi ngược lại với những lý thuyết hiện hành.

BS. Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ. Trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ thích hợp, phù hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng nguy cơ suy dinh dưỡng.

Ông Tuyên cho rằng sữa mẹ có các giá trị dinh dưỡng cơ bản ít thay đổi và không phụ thuộc nhiều vào tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ.

Các yếu tố bị thay đổi thường là mùi, vị hoặc các chất kích thích sau khi các bà mẹ ăn, uống các thức ăn có vị mạnh (như tỏi, cà phê...). Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố bình thường tỉ lệ này chỉ dưới 1% trong cộng đồng.

PV