KINH TẾ

Phân bón tăng do đâu?

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Từ đầu năm 2021, giá phân bón trong nước đã tăng trung bình 50 - 73% làm tăng chi phí sản xuất, tác động tiêu cực đến đời sống của người nông dân.

Lý giải nguyên nhân giá phân bón tăng, các doanh nghiệp sản xuất đều cho rằng nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của thị trường thế giới.

Cụ thể, giá nông sản trên thế giới liên tục tăng (điển hình là giá gạo), kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển nên nhu cầu phân bón tăng. Trong khi đó, nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh.

Cục trưởng Nguyễn Văn Thanh Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho rằng, nhiều nguyên liệu đầu vào tăng là nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng. Bên cạnh đó là vấn đề vận chuyển, logistics. Nhiều doanh nghiệp đã có hàng nhưng không vận chuyển được khiến giá tăng cao.

Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) khẳng định, nguồn cung phân bón không thiếu so với nhu cầu, nhưng do giá thế giới biến động tác động lớn đến chi phí giá thành sản xuất làm tăng giá bán sản phẩm. Cụ thể, giá nguyên liệu lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… khiến giá đầu vào tăng. Cùng với đó, là sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ đại dịch Covid-19 khiến giá mặt hàng này tăng nóng.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung lại cho rằng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón và nhu cầu sử dụng phân bón trong nước không tăng.

Hiện nay, tổng công suất đăng ký của các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đạt 29,25 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu sử dụng phân bón trong nước chỉ vào khoảng trên 10 triệu tấn/năm. Như vậy, nguồn cung thừa sức đáp ứng tổng cầu. “Năm 2020 Việt Nam nhập khẩu 3,97 triệu tấn, nhưng 7 tháng đầu năm 2021 đã nhập 3,1 triệu tấn, tăng 6.700 tấn so với cùng kỳ. Số liệu trên cho thấy, năng lực sản xuất và nhập khẩu đều tăng và không có chuyện cung cầu đứt gãy, khi nguồn cung phân bón còn dư", ông Hoàng Trung nói.

Quốc Trọng