Hỏi: Vì sao chỉ có 12 cung Hoàng Đạo mà lại có đến 13 chòm sao Hoàng Đạo?
Hoàng Minh Giang (Hà Nội)
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam: Mới đây có một số bài báo đưa thông tin thiếu tính khoa học về việc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA khẳng định thời điểm tương ứng của các chòm sao Hoàng đạo (chính xác là 13 chòm sao chứ không phải 12) không giống như chiêm tinh học đã đưa ra từ mấy nghìn năm trước. Nhiều người lập tức phản ứng điều này bởi nếu thế thì những tính toán (thiên về bói toán) suốt mấy nghìn năm trước là sai?
Hoàng Đạo là đường chuyển động của Mặt Trời trên thiên cầu mặt cầu tưởng tượng bao quanh Trái Đất trên đó là hình chiếu của các thiên thể, các hành tinh, ngôi sao, thiên hà trong 1 năm. Thiên cầu lại là một khái niệm gắn liền với Trái Đất và do đó khi Trái Đất chuyển động như thế, ta có thể tưởng tượng ra một mặt cầu thiên cầu chuyển động cùng Trái Đất với biên của thiên cầu ở rất xa. Mỗi thời gian khác nhau, Mặt trời sẽ lướt qua một vị trí khác nhau trên thiên cầu. Trong 1 năm, đường đi đó tạo thành một vòng tròn khép kín và người xưa đã gọi đó là vòng tròn Hoàng Đạo, chia nó ra thành 12 phần, ứng với 12 chòm sao.
Theo công bố của NASA ở bản dịch gốc thì các chòm sao chỉ là quy ước, chúng được các nhà thiên văn đặt ra và sử dụng tới ngày nay để dễ "qui hoạch" các vị trí trên bầu trời. Nếu chúng đã là do con người đặt ra thì chúng không quyết định được số phận của ai cả. Cung hoàng đạo khác với chòm sao hoàng đạo. Cung hoàng đạo là sự chia đường hoàng đạo thành 12 phần bằng nhau của chiêm tinh học, còn chòm sao hoàng đạo là các vùng quy ước cụ thể có hình dạng và kích thước khác nhau. Không được nhầm hai khái niệm này.
Việc có 13 chòm sao hoàng đạo và thời điểm tương ứng của chúng không như chiêm tinh nói là điều đã được khẳng định từ lâu, NASA chỉ giải thích lại điều đó.
Bảo Châu