Thời sự

Phá thang máy giải cứu nhân viên y tế mắc kẹt ra ngoài

  • Tác giả : Nguyên Khôi
Đội cứu nạn cứu hộ phá cửa thang máy, đưa một nhân viên y tế bị mắc kẹt ra ngoài.

Tối ngày 3/11, Đội cứu nạn cứu hộ thuộc Đội Cảnh sát PCCC và CNCH-Công an TP Thủ Đức (TPHCM) nhận được tin báo, một nam thanh niên bị mắc kẹt ở bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 3 đặt tại chung cư C8 Man Thiện.

pha-thang-may(1).png
Lực lượng chức năng giải cứu người mắc kẹt trong thang máy tại bệnh viện dã chiến số 3. Ảnh: C.T.

Ngay sau khi nhận tin, tổ cứu nạn cứu hộ đã điều động phương tiện xuống hiện trường sử dụng các thiết bị chuyên dụng để phá cửa thang máy, đưa nam thanh niên ra ngoài an toàn.

Nạn nhân mắc kẹt trong thang máy được xác định là L.Q.N (SN 2000, quê Kon Tum). Được biết anh N. là nhân viên y tế phục vụ trong bệnh viện dã chiến.

Theo kiến trúc sư Đoàn Tú (Công ty Kiến trúc Tây Hồ), khi thang máy gặp sự cố, hãy bấm nút mở cửa, bấm chuông cứu hộ, điện thoại số 114 hoặc kêu cứu. Trong mọi trường hợp, điều quan trọng nhất là bình tĩnh, cố gắng gạt bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực, nghĩ đến những điều tốt đẹp để xử lý tình huống đúng cách.

Nếu thang máy bập bềnh trôi tự do, hãy khuỵu gối hạ thấp trọng tâm, hai tay chắp sau gáy ôm bảo vệ đầu.

Trong trường hợp, thang máy đứng im một chỗ không hoạt động, bị cắt nguồn điện, điện thoại di động không thể liên lạc, hãy dùng vật như chìa khóa, gót giầy... gõ cửa thang máy và gọi to. Trường hợp đông người, không nên hỗn loạn, đập phá mạnh có thể khiến cho thang máy chòng chành chuyển động gây hoang mang sợ hãi.

Nếu thang máy bị rơi, hãy nằm song song với sàn thang ngay lập tức. Nằm càng gần chính giữa thang sẽ càng tốt vì điều này giúp phân bố đều lực rơi trên toàn bộ cơ thể, giảm tối đa thương tích. Nếu đông người, không thể nằm ở sàn, hãy kê thật nhiều hành lí, vali, túi xách hay đồ đạc dưới chân và nắm chặt vào thanh nắm. Gối đầu lên một tay để tránh bị thương, một tay che mặt để tránh các vật khác rơi lên mặt.

Nguyên Khôi