Y học và đời sống

Ớt rừng chữa đau nhức, teo cơ

t rừng thường được bà con dân tộc dùng lá và rễ chữa bệnh. Lá dùng tươi. Rễ lấy về, rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/ot-rung-300x225.jpg

Ớt rừng.

Cây ớt rừng còn có tên chùm hôi trắng, cây da chuột, lăng ớt, bạch mộc. Cây mọc trên rừng, thân gỗ nhỏ, nhánh có lông len, lâu năm chuyển sang nhẵn. Lá ớt rừng màu lục vàng, kép lông chim lẻ, gồm 7 – 9 lá chét, hình ngọn giáo, không cân đối ở gốc, có mũi nhọn sắc kéo dài.

Hoa ớt rừng màu trắng hay vàng, cụm hoa có lông mềm, ngắn hơn lá, cánh hoa có ít hoặc không có lông nhung. Quả màu vàng, màu cam hay đỏ, nhẵn, dạng bầu dục, nạc có nhiều tuyến, có 2 – 3 ô, mỗi ô chứa 1 hạt. Mùa hoa tháng 11 – 3, quả tháng 5 – 7.

Ớt rừng thường được bà con dân tộc dùng lá và rễ chữa bệnh. Lá dùng tươi. Rễ lấy về, rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô.

Theo Đông y, rễ, lá ớt rừng có vị đắng, cay, tính ấm; có tác dụng tán ứ hành khí, giảm đau, hoạt huyết. Lá ớt rừng là vị thuốc dùng trị cảm mạo, rắn độc cắn, các vết thương nhiễm trùng hay sâu bọ đốt. Lá sao vàng ngâm rượu xoa bóp chữa tê thấp, teo cơ.

Rễ ớt rừng còn dùng chữa ho hen, tức ngực, phong thấp tê bại, chân tay co quắp, ngã tổn thương, vết đứt dao cứa. Dùng ngoài lấy lá tươi giã đắp. Một số nơi dùng lá hay rễ sắc uống chữa sốt, tê thấp. Ngày dùng 6 – 12g, dạng thuốc sắc, hoặc ngâm rượu để xoa bóp.

Trị đau nhức, teo cơ: Rễ ớt rừng sao vàng 50g, cồn 40o 500ml, ngâm trong vòng 1 tuần lễ. Dùng rượu này xoa bóp vào chỗ đau.

Chữa đau ngực, té ngã tổn thương: Rễ ớt rừng 12-20g, sắc uống.

Chữa cảm mạo, rắn độc cắn: Lá ớt rừng 8 – 16g, sắc uống.

Chữa tê thấp, teo cơ, nhức mỏi, ho hen: Rễ ớt rừng, vỏ núc nác, thân cây bạch đồng nữ hoặc xích đồng nam, rễ cây vú bò, củ sả, mỗi vị 10g, sắc uống.

Chữa cảm sốt, đau dạ dày, tiêu chảy: Rễ ớt rừng, rễ xuyên tiêu, rễ cúc hoa vàng, rễ chanh, quả màng tang, mỗi vị 8g, sắc uống.

Chữa đau họng: Vỏ thân cây ớt rừng sắc đặc, ngậm nuốt dần từng ít một.

Chữa rắn độc cắn: Lá ớt rừng giã nhuyễn, thêm nước gạn uống, bã đắp lên vết cắn.

BS Nguyễn Lệ Quyên

(Bệnh viện Đa khoa Hà Giang)